Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cha mẹ và bạo lực tâm lý trẻ

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, ngày càng nhiều cha mẹ đặt áp lực vào kết quả học tập và coi đó là cách tốt nhất để giúp con thành công. Nhưng cũng không ít cha mẹ coi bạo lực học đường và nỗi buồn của trẻ là những trở ngại chính. Và chính những thái độ, hành động tiêu cực của cha mẹ vô tình đã bạo lực tâm lý trẻ.

Cần hiểu đúng về con
Cầm trên tay tờ giấy thông báo kết quả học tập của con sau 1 năm học, chị Nguyễn Ngân Hà (quận Bắc Từ Liêm) buông tiếng thở dài và tự vấn: “Sao kết quả của con mãi không tiến bộ? Vì sao con không chịu học như nhiều bạn cùng lớp?”…
Theo lời chị Hà, 4 năm qua, chị đã dốc toàn bộ thời gian và tâm sức vì sự nghiệp học hành của con nhưng với tính tinh nghịch, hiếu động “không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ” của cậu con trai luôn khiến chị “đau đầu” tìm giải pháp “uốn” con và cố gắng hiểu đúng về con hơn. Tuy vậy, kết quả học tập của con vẫn chưa làm chị hài lòng.
 Việc tìm hiểu tâm tính của con có thể giúp cha mẹ xác định được phong cách học tập của trẻ.
Chung tâm lý như chị Hà, nhiều phụ huynh cũng lo con mình có thành tích kém sẽ không đỗ vào trường tốt, lo con học chưa giỏi sẽ chẳng có tiền đồ cho tương lai. Có nhiều bậc phụ huynh vì quá bận tâm tới việc học hành của con trẻ nên luôn sống trong tâm trạng sợ hãi, lo lắng… Chính những phiền muộn đó của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý con trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay, bạo lực học đường đang là mối quan tâm lớn của nhiều phụ huynh. Đây cũng là một trong những nỗi sợ lớn nhất của trẻ mỗi khi chúng đến trường. Việc tiếp cận và hỗ trợ các gia đình để giải quyết vấn đề bạo lực còn nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, việc học tập của con trẻ nếu muốn thu được kết quả như ý thì phải được tiến hành trong một hoàn cảnh hòa nhã, thoải mái. Và một điều không thể phủ nhận là gia đình đóng vai trò vô cùng trọng yếu trong việc học tập của con cái. Cha mẹ mới là người thầy có sức ảnh hưởng nhất đối với trẻ.
Giúp trẻ trải nghiệm
Theo Thạc sĩ giáo dục Lưu Minh Hường (chuyên gia giáo dục sớm, Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tiềm năng con người IPD), các nghiên cứu cho thấy, tình trạng trẻ học không tốt hoặc không thích học chưa chắc đã là do năng lực học tập của trẻ. Thay vào đó, có thể là do phương pháp học mà trẻ đang theo là không phù hợp.
Trong trường hợp này các bậc phụ huynh cần chú ý để tâm quan sát để tìm ra được điều gì là tốt nhất để hỗ trợ việc học của trẻ. Có những trẻ sẽ thích được sờ nắm để học, nhiều bạn khác lại học tốt thông qua ngôn ngữ và đọc hiểu tốt.
Với những trẻ quá hiếu động, ham chơi nên không tập trung học hành, cha mẹ thường có tâm lý “ép con vào khuôn mẫu”. Điều này không thể thực hiện ngay lập tức mà cần thời gian, từng bước để trẻ làm theo.
Vì vậy, việc tìm hiểu tâm tính của con cũng có thể giúp cha mẹ xác định được phong cách học tập của trẻ. Có thể gọi nôm na là “cá nhân hóa” trải nghiệm học tập của các học sinh. Phương pháp giáo dục thông thường không thể đáp ứng được việc “cá nhân hóa” trải nghiệm này, bởi những rào cản về sĩ số lớp, chương trình đào tạo, kỹ năng của đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… Nhiều trẻ bị đánh giá sai về tiềm năng hoặc bị thui chột những khả năng tiềm ẩn.
Trong khi đó, nếu chính các học sinh này được cung cấp môi trường phát triển và có phương pháp giảng dạy phù hợp với phong cách học tập của bản thân, các em có thể đi đến thành công ở lĩnh vực của riêng mình, cũng như tìm ra được đam mê và niềm hạnh phúc của bản thân.
Chuyên gia cũng cho rằng, gen chỉ quy định 30% trí thông minh và sự thành công về sau này. Còn lại 70-80% đến từ những trải nghiệm, những sự giáo dục đầu đời mà chúng ta cung cấp cho trẻ trong giai đoạn từ 3-11 tuổi. Vì vậy, giúp trẻ trải nghiệm cũng là cách để hiểu con hơn.
Ngoài nắm bắt tâm lý, phụ huynh cũng nên cho con làm quen với phương pháp giáo dục sớm giúp trẻ nuôi dưỡng sự yêu thích học tập và phát huy tối đa khả năng tiềm ẩn của mỗi học sinh. Từ đó, cha mẹ trở thành người bạn đồng hành giúp con vươn xa.