Lên phương án ăn ở, đi lại
Những ngày này, Nguyễn Thị Hà Linh, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội đang miệt mài lên phương án di chuyển, đi lại với vai trò là tân sinh viên ngành Kiểm toán - Học viện Tài chính.
Hà Linh cho hay, em trúng tuyển qua phương thức xét tuyển sớm (xét tuyển học sinh giỏi THPT – phương thức 302). Vì đây là ngành em yêu thích; Học viện Tài chính cũng là trường em thích nhất nên khi đăng ký nguyện vọng, em xếp Kiểm toán - Học viện Tài chính là nguyện vọng 1. Sau khi hoàn tất thủ tục, em chắc chắn đã trở thành tân sinh viên của Học viện Tài chính.
“Từ nhà em đến trường khá xa và không tiện xe bus nên em quyết định, chủ yếu di chuyển bằng xe máy. Hai hôm nay em tra cứu xem đường nào gần nhất; đồng thời đã thực hành đến trường 2 lần để khảo sát đường đi. Ngoài ra, em cũng thực hiện xong thủ tục làm vé tháng xe bus để hôm nào mưa gió, có thể chuyển sang đi xe bus rồi bắt tiếp grab”, Hà Linh chia sẻ.
Cũng như Hà Linh, Nguyễn Phương Trang, trú tại tỉnh Gia Lai, trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm vào khoa Kinh doanh quốc tế - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
“Em theo dõi Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã lâu và tham dự kỳ thi IELTS vào giai đoạn tháng 2/2023. Với IELTS 7,0 cùng kết quả học tập tốt, em trúng tuyển khoa Kinh doanh quốc tế nên chỉ chờ đến khi đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng 1 vào trường là em đã chính thức trở thành sinh viên của trường.
Rào cản lớn nhất của Trang là từ nhà ra Hà Nội hơn 1.000 cây số. Tuy vậy, khi quyết định học ĐH tại Hà Nội, gia đình em đã lên kế hoạch rõ ràng.
“Em ở nhà người thân trong năm đầu để quen đường đi ở Hà Nội. Từ đó đến trường khoảng 9km. Do không biết đường nên em đi học bằng grab. Từ năm thứ 2 trở đi, tuỳ tình hình thực tế, em có thể tiếp tục ở nhà người thân hoặc ra ngoài thuê nhà trọ”, Phương Trang nói.
Cũng trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm vào trường ĐH Ngoại thương, Nguyễn Mạnh Dũng đang tìm hiểu thủ tục ở kí túc xá. Sau khi chắc chắn mình trúng tuyển Trường ĐH Ngoại thương, em đã tìm hiểu rất kỹ về diện ở kí túc xá nên đã hỏi thủ tục để chủ động thực hiện. Quê ở Bắc Giang, em cùng người nhà đã lên trường khảo sát cơ bản một số dịch vụ quanh đây để không bỡ ngỡ khi nhập học.
Còn Trịnh Mai Anh, trúng tuyển xét tuyển sớm vào Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, mấy hôm nay em nhờ anh chị đi tìm phòng trọ quanh khu vực trường để có thể đi bộ đi học nhưng chưa tìm được bởi giá phòng trọ quá cao.
Xây dựng kế học tài chính và kế hoạch học tập
Thạc sĩ Ngô Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết, những ngày qua có khá nhiều thí sinh và phụ huynh gọi điện đến trường hỏi về thủ tục nhập học, đặc biệt là thông tin để được nhận học bổng năm đầu và duy trì học bổng các năm tiếp theo. Điều đó chứng tỏ họ đã nắm chắc cơ hội vào trường nên muốn rút ngắn thời gian trong quá trình nhập học cũng như chuẩn bị về tài chính, chỗ ở trong thời gian tới”.
Trúng tuyển đại học đúng thời điểm giá cả leo thang, trong đó mức học phí của các trường đều có xu hướng tăng nên nhiều sinh viên, nhất là sinh viên ở quê, có bố mẹ là lao động phổ thông phải tính toán kỹ về chi phí ăn ở, học phí.
Với Nguyễn Mạnh Dũng, học phí và bài toán trang trải học phí là điều em quan tâm. Là con đầu trong gia đình có 3 anh em, kinh tế không mấy khá giả; trong khi lên đại học, dù sẽ ở kí túc xá nhưng vừa phải lo sinh hoạt, ăn uống, vừa ứng phó với học phí tăng nên em rất trăn trở.
“Em quan tâm đến quỹ học bổng khuyến khích học tập và quỹ cho vay học bổng FTU – Mabuchi với lãi suất 0%, thời gian cho vay kéo dài nhiều năm. Trước mắt em quyết tâm học tốt, giành học bổng cao để giảm gánh nặng tài chính cho bố mẹ”, Dũng lên kế hoạch.
Không quan tâm nhiều đến vấn đề học phí, Nguyễn Thu Hà, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, trúng tuyển sớm vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam dành thời gian tìm hiểu các trung tâm uy tín để học tiếng Nhật.
Thu Hà cho hay: "Em quen biết một chị học Học viện Nông nghiệp, giờ rất thành công. Chị ấy từng đạt học bổng du học tại Nhật. Em cũng muốn giống chị nên chủ động học tiếng Nhật để thuận lợi hơn trong học tập và nghiên cứu sau này. Ngoài ra, em sẽ học củng cố để trình độ tiếng Anh được nâng lên".
Cũng có không ít sinh viên muốn đi làm part time (bán thời gian) để vừa có thêm thu nhập, vừa học hỏi kỹ năng sống ngay khi lên đại học. “Khi chắc suất trúng tuyển vào Trường ĐH Thương mại, em đã xuống trường để xem có quán cà phê nào thuê sinh viên làm không. Từ bé đến giờ em chỉ biết đi học rồi về nhà, chưa va chạm bên ngoài bao giờ nên bố mẹ ủng hộ cho em đi làm với điều kiện chỉ làm 3 tiếng/ngày và không được ảnh hưởng đến học tập”, Nguyễn Tuấn Long, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.
Việc chủ động lên kế hoạch của các tân sinh viên được cho là rất cần thiết để khởi đầu một giai đoạn cuộc sống mới. Trong vài ngày tới, cùng việc công bố điểm chuẩn đợt 1, các trường đại học sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục nhập học; đồng thời bố trí đường dây nóng, sẵn sàng hỗ trợ sinh viên.
Các thông tin liên quan đến học phí, học bổng, chính sách vay vốn, chính sách hỗ trợ sinh viên, kí túc xá… cơ bản đã được công khai tại Đề án tuyển sinh của từng trường nên thí sinh có thể tìm hiểu và chuẩn bị trước để chủ động thực hiện ngay khi biết kết quả trúng tuyển chính thức.