Chưa xử lý dứt điểm công trình chắn biển
Khu vực dọc theo phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang có tổng chiều dài khoảng 15km, diện tích khoảng 240ha tiếp giáp với biển Nha Trang. Theo các chuyên gia, đây là khu vực có giá trị cao, đặc thù về cảnh quan và có vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển của TP Nha Trang.
Hiện khu vực này đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng với tính chất chủ đạo là khu công viên công cộng, phục vụ cộng đồng có bố trí xen kẽ các điểm dịch vụ công cộng. Các công trình tại đây với thiết kế không gian mở, hài hòa và thuận lợi cho sinh hoạt công cộng của người dân và du khách.
Tuy nhiên, khu vực này hiện vẫn còn công trình do tư nhân quản lý thuộc diện di dời nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Đây là những công trình dù góp phần tạo thành các sản phẩm du lịch và hạ tầng dịch vụ cho khu vực ven biển, nhưng cũng gây một số bất cập khi người dân và khách du lịch khi muốn từ đường Trần Phú xuống biển cũng như tận hưởng không gian biển.
Cụ thể, dự án Cụm nhà hàng và dịch vụ giải trí Louisiane rộng khoảng 4.800m2 do Công ty CP Quốc tế Biển Xanh làm chủ đầu tư, đã hết hạn thuê đất vào ngày 1/3/2022 nhưng hiện vẫn đang hoạt động.
Dự án Nhà hàng Sailing Club có phần nổi rộng 2.054m2 và 750m2 không gian ngầm do Công ty TNHH Liên doanh Câu lạc bộ bơi thuyền Nha Trang làm chủ đầu tư, hiện còn thời gian thuê đất đến hết năm 2043.
Các công trình nói trên, theo phương án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 đang triển khai (hoàn thiện đến thời điểm hiện tại), khu vực thuộc các dự án nêu trên quy hoạch dự kiến là đất cây xanh công cộng đô thị - quảng trường công cộng.
Liên quan đến các công trình nói trên, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, đây khu vực có giá trị cao, đặc thù về cảnh quan và có vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển của TP Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Theo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, việc tồn tại các điểm dịch vụ cộng cộng trong phạm vi dài công viên bờ biển này nên cần được xem xét, vì sẽ góp phần nâng cao chất lượng không gian và cảnh quan khu vực này, thuận lợi cho các sinh hoạt công cộng của người dân và du khách.
Qua đó, phát huy giá trị của khu vực để trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (có thể xem xét việc tồn tại hay không tồn tại của các công trình/dự án nêu trên theo hướng rà soát lại thiết kế, diện tích xây dựng phù hợp với mật độ xây dựng cho phép tối đa 5% của khu công viên theo quy định, đảm bảo có không gian mở, hài hòa trong tổng thể công viên).
Lập đồ án thiết kế đô thị phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng
Theo nguồn tin riêng của Kinh tế & Đô thị, Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có thông báo gửi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, liên quan đến chủ trương xử lý di dời một số công trình phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng.
Kết luận được đưa ra sau phiên họp ngày 25/7, về chủ trương xử lý, di dời một số công trình phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng và việc chấm dứt lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng.
Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa thống nhất chấm dứt việc thực hiện lập điều chỉnh Quy hoạch phân khu khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng. Đồng thời, đồng ý việc đề xuất lập đồ án thiết kế đô thị đối với khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, theo định hướng phục vụ mục đích công cộng kết hợp với dịch vụ nhưng ưu tiên phục vụ công cộng là chính.
Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa giao cho cơ quan liên quan phối hợp với đơn vị tài trợ quy hoạch để triển khai thực hiện theo thẩm quyền và đúng quy định pháp luật hiện hành.
Hồi tháng 4/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đã có đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu vực phía Đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng để đóng góp vào việc phát huy giá trị của khu vực này, làm động lực phát triển kinh tế của thành phố.
Đặc biệt, các cơ quan liên quan chỉ đạo rà soát toàn bộ công trình, dự án của các nhà đầu tư (kể cả của nhà nước, tư nhân) đang hoạt động, khai thác ở khu vực phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng.
Đối với các dự án chưa hết thời hạn cho thuê đất, đề nghị rà soát lại các thủ tục cho thuê đất trước đây để xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đối với các dự án đã hết thời hạn cho thuê đất, đề nghị có phương án xử lý từng trường hợp cụ thể đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng chỉ đạo cơ quan liên quan kiểm tra hồ sơ pháp lý liên quan đến Nhà khách 378, Cảng Hải quân để chủ động làm việc với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, thống nhất hướng giải quyết. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý đối với các hộ dân sống tại khu vực ven biển phường Vĩnh Nguyên.
KTS Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa: Dải không gian ven biển - yếu tố gắn kết cộng đồng
Dải cây xanh ven biển dọc đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng trong quá trình phát triển theo năm tháng đã có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của thành phố.
Tuy nhiên, việc khai thác các không gian bờ biển nhìn chung còn nhiều bất cập: Không gian hướng biển bị che chắn tầm nhìn ra biển với các nhà hàng, resort sát biển… đã làm mất tính liên thông giữa bờ biển và đô thị.
Các yếu tố nhân tạo lấn át dần tính tự nhiên, cản trở sự tiếp cận của người dân, thiếu không gian dành cho dịch vụ công cộng và giao thông tĩnh, thiếu kết nối giữa các không gian công cộng ven biển và không gian khác trong đô thị…, đã tác động không nhỏ tới vẻ đẹp tổng thể của không gian ven biển.
Trong những năm gần đây lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực di dời dự án nhằm giữ và phát triển dải cây xanh ven biển dọc đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng, đây thật sự là chuyển biến tích cực trong nhận thức và là chủ trương đúng đắn. Việc làm này kịp thời với bối cảnh phát triển đô thị hiện tại nhằm quyết tâm thực hiện chủ trương xây dựng TP Nha Trang thành nơi thật sự đáng sống.
Dải cây xanh ven biển dọc đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng không chỉ là không gian công cộng, mà còn là loại hình không gian giao tiếp cộng đồng đặc biệt và được xem như không gian đặc trưng của các đô thị biển.
Cần nhìn nhận rằng, không gian này được tạo ra thông qua hoạt động sử dụng tại những khu vực chung trong đô thị. Chính vì vậy giá trị của nó là yếu tố gắn kết cộng đồng với nhau.
Việc tạo dựng các không gian công cộng ven biển này cũng góp phần làm cho đời sống xã hội thêm phong phú, mang đậm giá trị địa phương của TP biển Nha Trang xinh đẹp mà không phải ở đâu cũng có.
Trong quy hoạch, các không gian công cộng này vừa là nơi để mọi người đến tập thể dục, tản bộ, hít thở không khí, vừa là nơi vui chơi, giao lưu hàng ngày của cộng đồng người dân sinh sống trong TP và du khách. Đồng thời, dải không gian xanh ở đây có một chức năng rất quan trọng và được coi như lá phổi của đô thị.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật chội, thì nhu cầu tận hưởng những không gian công viên cây xanh của cư dân đô thị và du khách đang ngày càng cấp thiết.
Kết nối các không gian công cộng ven biển sẽ mang tới vẻ đẹp tổng thể cho không gian ven biển, tạo giá trị cảnh quan và môi trường sống tốt, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn người dân và du khách.