Chậm giải ngân gói 350.000 tỷ ảnh hưởng tới tiến độ phục hồi kinh tế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gói phục hồi kinh tế - xã hội quy mô lớn nhất lịch sử đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu. Tiền có mà không tiêu được, nỗi lo lạm phát, những khó khăn DN đang đối mặt… sẽ khiến phục hồi kinh tế gặp nhiều thách thức.

Mới giải ngân khoảng 10%

Để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đầu năm 2022 Quốc hội, Chính phủ đã quyết định công bố các gói hỗ trợ về chính sách với khoảng 350.000 tỷ đồng từ ngân sách. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng giải ngân chậm.
Gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng giải ngân chậm.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Dù vậy, tốc độ triển khai các hỗ trợ vẫn rất chậm. Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào ngày 9/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, tính đến hết tháng 5/2022, Chính phủ đã giải ngân khoảng 33.500 tỷ đồng trong gói phục hồi kinh tế - xã hội. Trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22.600 tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch). Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình. Các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Giải ngân vốn đầu tư công cũng rất chậm. Tính đến 31/5/2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch, trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%, vốn ODA đạt 6,26%.

Báo cáo trước đó của Chính phủ gửi Quốc hội cũng thừa nhận việc chậm triển khai gói phục hồi. Nguyên nhân được cho là có cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó có lý do năng lực của cán bộ, có nơi có lúc còn lúng túng, chưa chủ động, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải liên tục có 3 công điện thúc các bộ, ngành sớm trình những chính sách để triển khai. Thậm chí, ngay việc giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ cũng ra quyết định thành lập 6 tổ công tác để đôn đốc từng nơi ì ạch, chậm tiến độ.

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội và cộng đồng DN, với khoảng 33.500 tỷ đồng, tiến độ giải ngân như vậy mới chỉ đạt khoảng 10% so với quy mô mà gói hỗ trợ đã đặt ra.

Tiết giảm điều kiện, phân cấp gắn với tăng trách nhiệm

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trong 2 năm tới được Quốc hội thông qua đầu năm nay với tổng giá trị khoảng 350.000 tỷ đồng. Chương trình có 5 giải pháp chính, gồm mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư, nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ đầu tư công và phục hồi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; và cải cách thể chế, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh.

Việc triển khai chậm, theo các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người dân, DN ở thời điểm khó khăn. Hơn nữa, chậm giải ngân thì kinh tế sẽ khó phục hồi, đạt mục tiêu tăng trưởng tăng thêm 2% như Nghị quyết của Quốc hội đưa ra.

“Tiền đầu tư chủ yếu là đi vay, chịu lãi suất, phí quản lý, do đó giải ngân chậm thì tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư sử dụng vốn. Chưa kể vòng xoáy lạm phát đang hiện hữu khi nhiều mặt hàng thiết yếu, đầu vào sản xuất, nhất là xăng dầu tăng giá kỷ lục khiến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn”- TS Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

Điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả với tinh thần coi gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ là biện pháp lớn nhất để tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế.

Đơn cử như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 được xem mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả DN và người dân. Nếu chính sách này phát huy hết hiệu quả sẽ giúp lạm phát giảm khoảng 1%. Song, thực tế triển khai, theo Ủy ban Kinh tế, còn những vướng mắc trong rà soát, đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa dịch vụ được hưởng giảm thuế VAT cũng như việc xuất hóa đơn thuế VAT.

Hay như vấn đề vay vốn, giai đoạn này rất quan trọng. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN vay trong khoảng thời gian từ đầu năm nay đến hết năm 2023 với kinh phí 40.000 tỷ đồng. Cộng đồng DN đang mong được tiếp cận sớm gói hỗ trợ này với những ưu đãi như tiết giảm điều kiện, và được giải ngân sớm để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, sớm thoát khỏi khó khăn.

Theo dõi phần trả lời của các bộ trưởng trong chất vấn Quốc hội, một số DN cho hay chưa thực sự thỏa mãn. Các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân không được cụ thể hóa và không đưa ra thời gian cụ thể. Về những gói hỗ trợ khoanh vùng nợ xấu, giãn nợ và hỗ trợ lãi suất cho DN thực sự vẫn chưa phát huy được hiệu quả với các DN vừa và nhỏ, vì còn rất nhiều bất cập về thủ tục giấy tờ, điều kiện và ràng buộc mới được tiếp cận.

Đối với gói đầu tư công, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đầu tư công, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn. Tuy nhiên, có nhiều dự án, nhiều vấn đề tồn đọng lâu nay chưa được giải quyết triệt để. Điều này theo TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) đã gây ra lãng phí và làm giảm đi những động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ và các cơ quan ban, ngành cần khẩn trương và quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, để gói phục hồi này đúng nghĩa là "phao cứu sinh" cần phải thực hiện hiệu quả, tránh dàn trải gây lãng phí nguồn lực.

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà; phân cấp mạnh hơn, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân, triển khai chính sách.  Nội dung nào đúng thẩm quyền phải quyết định ngay, tránh mọi việc dồn lên Chính phủ và Thủ tướng, hạn chế tối đa việc xin ý kiến lòng vòng giữa các đơn vị”- TS Trần Hoàng Ngân đề nghị.