Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chăm lo cho người lao động bằng giải pháp căn cơ, phù hợp từng lĩnh vực

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Các giải pháp chăm lo cho người lao động phải căn cơ, không chỉ là chăm lo chung chung, chăm lo về phúc lợi mà cần tập trung vào việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp để họ có thể giữ được việc làm; ổn định thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc sáng 1/12
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc sáng 1/12

Chiều 1/12, trong ngày làm việc đầu tiên, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã chia 10 trung tâm thảo luận để góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị nhằm tìm ra những giải pháp, kiến nghị mới góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng hiện đại, lớn mạnh.

Quan tâm đến người lao động khu vực phi chính thức

Phát biểu tại Trung tâm thảo luận số 1, bà Tạ Thị Mỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XII, Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội đã đại diện đoàn đại biểu Công đoàn TP Hà Nội góp ý với Đại hội về công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS).

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận chiều 1/12
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận chiều 1/12

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, để thực hiện được mục tiêu đến hết nhiệm kỳ (2023 - 2028), cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cần có những giải pháp quan tâm đến người lao động khu vực phi chính thức. Trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang phi chính thức. Đây sẽ đối tượng cần tập hợp rất lớn trong nhiệm kỳ này. 

Bà Tạ Thị Mỹ Thanh cho rằng, trong báo cáo chính trị đề ra 3 khâu đột phá, nhưng chưa có những giải pháp cụ thể về quan tâm, chăm lo cho đối tượng lao động khu vực phi chính thức. Chỉ khi được Công đoàn quan tâm, chăm lo, khi đó người lao động mới tham gia tổ chức Công đoàn.

Với những Ban Chấp hành CĐCS mới thành lập, Công đoàn cấp trên cơ sở cần tích cực hướng dẫn để Ban Chấp hành CĐCS mới thành lập hoạt động hiệu quả, bám sát nhu cầu đoàn viên các khối-nhất là đoàn viên khu vực lao động phi chính thức. Thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia vào tổ chức Công đoàn, họ sẽ tự lan tỏa trong ngành nghề của mình, để có thêm nhiều người lao động khác cùng gia nhập tổ chức. Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam nên dành nguồn lực, có cơ chế tài chính đặc thù cho cán bộ Công đoàn khu vực phi chính thức, để họ có điều kiện, dành tâm huyết cho hoạt động công đoàn.

Quang cảnh trung tâm thảo luận số 10
Quang cảnh trung tâm thảo luận số 10

Bàn giải pháp chăm lo cho người lao động

Tại trung tâm thảo luận số 3, hầu hết ý các đại biểu đều thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội cũng như Dự thảo Báo cáo sửa đổi bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm trước đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết sâu sắc vào các văn kiện đại hội. Trong đó chủ yếu là đóng góp cho phần chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chăm lo bảo vệ người lao động, thu hút, tập hợp đoàn viên vào tổ chức Công đoàn.

Trao đổi về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn trong nhiệm kỳ tới, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho rằng: Các giải pháp chăm lo cho người lao động cần phải căn cơ, không chỉ là chăm lo chung chung, chăm lo về phúc lợi mà cần tập trung vào việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để họ giữ được việc làm, ổn định thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi trong bối cảnh hiện nay mặc dù có nhiều khó khăn nhưng những người lao động qua đào tạo vẫn giữ được việc làm.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội Tạ Thị Mỹ Thanh
Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội Tạ Thị Mỹ Thanh

Còn tại trung tâm thảo luận số 5, các đại biểu cũng đã sôi nổi thảo luận đóng nhiều ý kiến vào các văn kiện quan trọng của Đại hội. Đóng góp ý kiến về công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, ông Nguyễn Minh Sơn-Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam (đoàn đại biểu TP Nội) cho rằng, hiện hoạt động của công đoàn các công ty có 100% vốn nước ngoài gặp không ít khó khăn. Tổ chức Công đoàn phải chịu sự quản lý của chủ sử dụng lao động, do đó các hoạt động cũng phải lựa và có sự đồng thuận với ông chủ.

"Đơn cử khi cán bộ công đoàn đàm phán thương lượng với người sử dụng lao động hàng năm tăng lương cho người lao động, nhưng ông chủ không mong muốn, họ cho rằng lương của họ đã cao hơn lương tối thiểu vùng, mắc dù doanh nghiệp có lợi nhuận cao”- ông Nguyễn Minh Sơn nêu.

Theo ông Minh Sơn, 3 năm trở lại đây nhu cầu về lao động đang ngày một thay đổi, có doanh nghiệp sử dụng tới 80% tự động hoá. Một dây chuyền có thể tăng 2,5% công suất mà không cần nhiều người. Các ông chủ chỉ sử dụng các lao động ngắn hạn hoặc thời vụ và đây là thiệt thòi của người lao động. Từ thực tế đó, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam kiến nghị tổ chức Công đoàn cần quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách dành cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở.

Gần 1.100 đại biểu tham gia phiên khai mạc đại hội sáng 1/12
Gần 1.100 đại biểu tham gia phiên khai mạc đại hội sáng 1/12
 

Ngày 1/12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (TP Hà Nội). 

Phát biểu khai mạc phiên thứ nhất của Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 1-3/12). Đại hội có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn 5 năm tới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn; bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa mới. 

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại phiên khai mạc ngày 1/12
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại phiên khai mạc ngày 1/12

Điểm mới trong tổ chức Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là đại hội đã tăng cường ứng dụng công nghệ số trong tổ chức và phục vụ Đại hội. Thiết kế, vận hành ứng dụng về đại hội (app) trên thiết bị di động để cung cấp thông tin, tài liệu, trao đổi, tương tác với đại biểu.

Ngoài ra, các chương trình chào mừng thành công đại hội sẽ được lồng ghép với các hoạt động chăm lo cho người lao động; trao tặng các món quà từ Đại hội đến đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động.

Về nhân sự, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII dự kiến trình đại hội và Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII về nhân sự như sau: Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ  khóa XIII là 177 đồng chí; Ủy viên Đoàn Chủ tịch: 31 đồng chí; Chủ tịch; 5 đồng chí Phó Chủ tịch; Ủy viên Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐ khóa XIII: 19 đồng chí.