Dành hơn 357.000 tỷ đồng thực hiện chế độ người có công
Sáng ngày 22/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023, được tổ chức tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất; nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương. Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Và, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và cải thiện về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Nghĩa tình đồng đội"… ngày càng phát triển, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, có hiệu quả. Trong giai đoạn 2012-2022, chúng ta đã dành hơn 357.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công.
Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời gần 3.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đặc biệt, chúng ta trân trọng và khâm phục tinh thần "tàn nhưng không phế", ý chí, nghị lực và sự nỗ lực vươn lên của những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công. Họ đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt qua nỗi đau chiến tranh, mất mát to lớn, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Thực hiện tốt hơn nữa chính sách người có công
Hội nghị hôm nay tôn vinh 300 tấm gương người có công tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền, dân tộc, thành phần, tôn giáo, đại diện cho 9,2 triệu người có công trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương tinh thần mạnh mẽ, nghị lực sắt đá, ý chí mãnh liệt nỗ lực vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. “300 đại biểu có mặt hôm nay là những đại diện tiêu biểu. Đây thực sự là những tấm gương sáng, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, tạo động lực, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mỗi chúng ta”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo người có công và thân nhân nhưng chúng ta vẫn day dứt, trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính...
Do đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong đó quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công kịp thời, hiệu quả, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn. Tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".
Các cấp chính quyền cơ sở nghiên cứu ban hành các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả; phát huy vị trí, vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình, nhất là trong phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.
Thủ tướng mong những người có công với cách mạng trên cả nước, 300 đại biểu tiêu biểu ngày hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, cống hiến sức lực, trí tuệ, luôn là những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập và tu dưỡng... cho thế hệ trẻ noi theo.
“Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên, đầy đủ và tốt đẹp hơn”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 21/7/2023. Theo đó tăng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng thêm 26,54% thành 2.055.000 đồng và áp dụng từ 01/7/2023.