Từng bị kiến nghị thu hồi
Được ví như cánh rừng nguyên sinh còn sót lại nơi vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Trị, Rú Lịnh không chỉ ấn tượng với vẻ nguyên sinh mà còn là nơi bảo tồn một số nguồn gen thực vật quý. Trong đó, có loài phong lan tên gọi lan hoại leo vàng có giá trị lớn về nguồn gen vừa được các nhà nghiên cứu phát hiện tại đây.
Với nhiều lợi thế và vị trí đắc địa, Rú Lịnh trở thành điểm đến của nhiều du khách cũng như nhà đầu tư. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Sông Hiền (gọi tắt là Công ty Sông Hiền) được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh tại Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 24/3/2016.
Dự án được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương đầu tư với các nội dung chủ yếu như: Xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và thư giãn tại khu rừng Rú Lịnh, huyện Vĩnh Linh. Trong đó, Công ty Sông Hiền đưa ra tiến độ dự án từ tháng 1/2017 đến tháng 4/2022 sẽ tiến hành thi công xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động.
Tổng vốn đầu tư được phía Công ty Sông Hiền đưa ra là gần 320 tỷ đồng và doanh nghiệp được phép thuê Rú Lịnh để thực hiện dự án kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 137ha. Trong tổng số diện tích này, có khoảng 36ha được tỉnh cho phép sử dụng thuê đất vào mục đích thương mại dịch vụ, đất trồng cây lâu năm và giao thông.
Ngoài việc tạo điều kiện cho phía nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đồng ý phương án cho Công ty Sông Hiền thực hiện ký quỹ đảm bảo đầu tư cho diện tích cấp đất lần 1 là 440 triệu đồng. Đồng thời, được hoãn nghĩa vụ ký quỹ với số tiền là trên 3,1 tỷ đồng (tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng theo quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP).
Dù mức đầu tư hoành tráng là thế nhưng công ty không hề triển khai xây dựng. Thậm chí, có thời điểm công ty này còn nợ cả tiền thuê lao động bảo vệ rừng. Mãi gần 4 năm sau, vào tháng 2/2020, Công ty Sông Hiền mới tiến hành triển khai thi công một số hạng mục khi địa phương rục rịch thu hồi giấy phép đầu tư.
Bất chấp chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chưa có giấy phép xây dựng, phía Công ty Sông Hiền đã tổ chức thi công. Chỉ đến khi lực lượng chức năng phát hiện, một phần diện tích cũng như cây rừng thuộc rừng sản xuất, rừng đặc dụng đã bị công ty này ủi phá, xâm phạm.
Tháng 7/2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản yêu cầu công ty tạm dừng việc thực hiện dự án và giao các Sở, ngành liên quan làm rõ vi phạm đối với nhà đầu tư này. Tháng 8/2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định xử phạt Công ty Sông Hiền tổng số tiền hơn 315 triệu đồng.
Ở một diễn biến khác, tháng 7/2021, UBND huyện Vĩnh Linh cũng đã báo cáo Sở KH&ĐT tham mưu với tỉnh thu hồi dự án trên khi chậm triển khai.
Hiện, dù được cấp chủ trương đầu tư gần 6 năm nhưng tại khu vực dự án, chỉ mới cắm các mốc bê-tông khoanh vùng bên ngoài. Phần đất được giao cho nhà đầu tư thuê bỏ hoang hoặc người dân xin canh tác lại.
“Công ty chỉ mới trồng được vài luống hoa rồi tổ chức chụp ảnh, chụp hình chứ chưa thấy khu du lịch gì. Đất thì thu hồi nhưng không làm, dân chúng tôi giờ ra xin canh tác cây ngắn ngày chứ để đất không lãng phí quá”, một người dân xã Vĩnh Hòa cho biết.
Chưa có đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn triển khai
Theo đánh giá của các nhà khoa học, rừng nguyên sinh Rú Lịnh có thảm thực vật thuộc kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm với số loài phong phú có nguồn gốc chủ yếu từ khu hệ thực vật cổ Á nhiệt đới. Dù nằm gần khu dân cư nhưng hiện Rú Linh có 200 loài thuộc 72 họ thực vật, 73 loài động vật. Chưa kể, một số loài chim di cư vào các thời điểm trong năm về trú ngụ tại đây.
Được xác định là rừng đặc dụng, Rú Lịnh càng có ý nghĩa quan trọng đối với các cư dân lân cận bao đời nay. Đặc biệt, với sự chung tay của các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã giữ gìn, bảo vệ tốt Rú Lịnh trong hàng chục năm qua.
Thế nhưng, theo một số người dân từ khi việc Công ty Sông Hiền triển khai dự án kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến việc thu hồi đất sản xuất của người dân mà việc quản lý, bảo vệ rừng lỏng lẻo khiến người dân quanh Rú Lịnh lo ngại. Việc xuất hiện máy móc, con người cũng như tình trạng vào rừng bẫy, bắt các loài chim đã và đang tác động xấu đến hệ động thực vật.
Lo ngại hơn, dù được cấp chủ trương từ năm 2016 và đã triển khai đầu tư dự án nhưng đến thời điểm đầu năm 2022, Công ty Sông Hiền vẫn chưa hề có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt theo quy định, vi phạm luật môi trường.
Trong khi đó, việc này được xem là cốt lõi để triển khai dự án. Bởi, nếu không có biện pháp, kế hoạch cụ thể được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, những tác động xấu đến hệ động, thực vậy tại cánh rừng đặc dụng này là điều tất yếu.
Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án này cơ bản đủ cơ sở để triển khai các bước nhằm thực hiện thu hồi dự án. Tuy nhiên, phía Công ty Sông Hiền đã chấp hành nộp tiền phạt theo Quyết định của tỉnh và mong muốn được tiếp tục triển khai dự án.
Mới đây, Công ty cũng đã đề xuất điều chỉnh dự án và xin tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, pháp lý liên quan.
Tuy nhiên, Sở KH&ĐT cho rằng tiến độ dự án mà Công ty Sông Hiền đề xuất là quá dài (quá 24 tháng).
Bà Lê Thị Thương - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Quan điểm là tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhưng sẽ có những chế tài cụ thể, thời hạn cụ thể, lộ trình chặt chẽ và yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ. Dự kiến, vào tuần này, Sở sẽ chủ trì cùng với các sở, ngành, địa phương vùng triển khai dự án cùng nhà đầu tư thẩm định lại hồ sơ trước khi báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị.