Chấn chỉnh lạm thu đầu năm học: Xử lý nghiêm người đứng đầu

Thủy Trúc – Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm học mới, năm nào cũng xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, ngoài việc thanh tra, kiểm tra, cần phải xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục đã để xảy ra sai phạm.
Nhiều khoản thu núp danh nghĩa “tự nguyện”
Mặc dù, trước thềm mỗi năm học mới, Bộ GD&ĐT đều có công văn yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, thành hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai những khoản thu chi đầu năm học theo đúng quy định hiện hành.
Tiếp theo đó, Sở GD&ĐT lại có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và cơ sở giáo dục thực hiện thu học phí và những khoản thu khác theo đúng quy định. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra khiến dư luận xã hội hết sức bất bình, phụ huynh bức xúc viết đơn tố cáo.
Dường như, lạm thu đầu năm học đã trở thành tình trạng “đến hẹn lại lên” do nhà trường đã tự ý thu các khoản ngoài quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh “phát minh” ra nhiều khoản núp dưới danh nghĩa “tự nguyện” và cào bằng đồng loạt cho tất cả phụ huynh trong lớp.
 Ảnh minh họa.
Đơn cử, năm ngoái, khi năm học mới 2018 - 2019 chưa bắt đầu nhưng trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) đã có thông báo thu nhiều khoản khiến phụ huynh té ngửa.
Ngoài tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập, phụ huynh lớp 1 còn phải nộp tiền đồng phục, mũ, ghế nhựa, kỹ năng sống, tạm ứng cơ sở vật chất với tổng số tiền gần 3 triệu đồng. Chưa hết, giáo viên chủ nhiệm liệt kê miệng nhiều khoản tiền mà học sinh sẽ phải đóng khi vào năm học khiến phụ huynh phải viết đơn “cầu cứu” báo chí.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu 7 khoản

Theo công văn số 3213/SGDĐT-KHTC, Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

BĐDCMHS chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của BĐDCMHS.

BĐDCMHS không được thu các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường. BĐDCMHS cũng không được khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường.

Và, BĐDCMHS không thu tiền phục vụ cho hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Sau quá trình tìm hiểu, cơ quan chức năng đã phát hiện trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng đã thu không đúng như phụ huynh đã phản ánh và yêu cầu trả lại các khoản thu sai, đồng thời xử lý nghiêm Hiệu trưởng.
Hay chuyện hàng trăm phụ huynh ở huyện Hoài Đức kéo đến trường Tiểu học Sơn Đồng phản ứng không đồng tình với 18 khoản thu đầu năm học. Các khoản thu được phụ huynh cho là vô lý, gồm có quỹ phụ huynh trường 250.000 đồng, quỹ lớp 300.000 đồng, quỹ học tập 150.000 đồng, trông giữ ngoài giờ 1.008.000 đồng, vệ sinh 100.000 đồng, lớp chất lượng cao 600.000 đồng, bảng tính thông minh 650.000 đồng... tổng cộng lên tới gần 8 triệu đồng.
Phụ huynh lớp 6A1 trường THCS Nguyễn Huy Tưởng (huyện Đông Anh) cũng phản ánh bị thu 1.500.000 đồng để mua bàn ghế. Phụ huynh của 33 học sinh trường Mầm non An Khánh A (huyện Hoài Đức) cũng phản ánh bị thu 500.000 đồng trái tuyến...
Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, để xảy ra vấn đề lạm thu, nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của Nhà nước. Các cơ sở đã vẽ ra nhiều hoạt động biến tướng, rồi mượn danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản ngoài quy định của Nhà nước” để thu tiền học sinh, phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh thì chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Trong khi đó, một số địa phương chỉ đạo và phân bổ ngân sách Nhà nước cho cơ sở giáo dục với tỷ lệ chi cho các hoạt động thấp hơn mức tối thiểu theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về phía các địa phương lại chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục; chưa thanh, kiểm tra kịp thời để xử lý các cơ sở giáo dục có sai phạm về thu chi tài chính. Việc này đã dẫn đến tình trạng không ít trường đã thu một số khoản ngoài quy định.
Ký cam kết không để lạm thu
Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong năm học này, từ trung tuần tháng 8/2019, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, TP triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019 - 2020. Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT có hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng quy định hiện hành. Và, để không xảy ra tình trạng lạm thu thì cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu chi đầu năm học.
 Những khoản thu đầu năm luôn làm đau đầu phụ huynh. Trong ảnh: Giờ tin học của học sinh trường Tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Quán triệt chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ngay khi tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường quản lý tốt những vấn đề thu, chi đầu năm học mới bằng việc thực hiện tốt những văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Quan điểm của UBND TP Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay sẽ không đi kiểm tra các khoản thu chi đầu năm theo đoàn như mọi năm mà khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành công văn số 3213/SGDĐT-KHTC đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thống nhất bằng văn bản về mức thu khác của các cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý. Các cơ sở giáo dục thực hiện việc giãn thời gian thu; không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong cùng một thời điểm.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp và kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với Hiệu trưởng những cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương công bố số điện thoại đường dây nóng để người học, cha mẹ học sinh và Nhân dân kịp thời phản ánh những hiện tượng thu chi không đúng quy định...
Việc thu, chi của ban đại diện cha mẹ học sinh phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu, ban đại diện phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và những cuộc họp toàn thể BDDCMHS trường. Đặc biệt, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Trao đổi về vấn đề lạm thu, các Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông, Thanh Oai, Ba Vì... cho biết đã có tham mưu UBND quận, huyện ban hành văn bản và chỉ đạo các trường tăng cường quản lý thu chi đầu năm học. Theo ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Xuân: Trong những năm qua, một số trường học trên địa bàn thu chi chưa khoa học, tổ chức hành chính chưa tốt khiến phụ huynh mất thời gian.
Năm học mới này, quận sẽ thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các trường thu đúng, đủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh và học sinh. Trước khi năm học mới bắt đầu, Phòng GD&ĐT Thanh Xuân đã tham mưu UBND quận chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc việc thu học phí năm học 2019 - 2020 theo Nghị quyết số 06 của HĐND.
Đặc biệt, 100% giáo viên các trường trong quận ký cam kết với Hiệu trưởng về việc thu các khoản và dạy thêm, học thêm đúng quy định. Hiệu trưởng các trường cũng ký bản cam kết không để xảy ra lạm thu. Đối với các khoản thu quỹ cha mẹ học sinh, quận Thanh Xuân yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn phải thực hiện theo đúng quy trình.
Theo đó, các khoản thu phải thống nhất với ban đại diện phụ huynh ở lớp, ở trường, giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng để xây dựng dự toán và sau đó mới thu theo đúng quy định. “ BĐDCMHS lập dự toán thông báo công khai khoản thu và được sự đồng ý của Hiệu trưởng mới được phép thu. Vì vậy, Hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm về quỹ cha mẹ học sinh và chịu trách nhiệm cao nhất nếu để xảy ra sai phạm” - ông Hữu khẳng định.
Ông Đoàn Việt Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai cho biết, khi nhận được phản ánh về hiện tượng lạm thu đầu năm học, phòng sẽ trực tiếp đến trường đó để kiểm tra. Về phía các trường học, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo từ cấp trên đều đã quán triệt thu theo đúng quy định, quy trình và công khai thông tin cho phụ huynh biết.
Hy vọng với những giải pháp trên cộng với việc truyền thông tới phụ huynh, BĐDCMHS, năm học mới 2019 - 2020 ngành giáo dục sẽ ngăn chặn được lạm thu để lấy lại niềm tin của phụ huynh, học sinh và xã hội. 

Nhà trường lạm dụng văn bản dẫn đến lạm thu

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu đầu năm học. Hiện nay nhu cầu học tập cho con của cha mẹ học sinh có rất nhiều nội dung. Các nhà trường khi triển khai để đáp ứng những nhu cầu đó mà không nghiên cứu kỹ các văn bản hoặc lạm dụng các văn bản để triển khai những chương trình dạy và học một cách tùy tiện dẫn đến thu không đúng quy định.

Để quản lý tốt việc thu chi, các trường cần thực hiện tốt những văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội. Tất cả những trường để xảy ra sai phạm trong thu các khoản, điều đầu tiên chúng tôi yêu cầu phải trả cho học sinh và phụ huynh những khoản thu sai. Đồng thời, chúng tôi sẽ xử lý trách nhiệm thật nghiêm theo quy định trong ngành." - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang


Xử lý nghiêm sai phạm thu, chi

"Ngoài việc các trường học không thực hiện yêu cầu, chỉ thị của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, còn có nguyên nhân xã hội hóa giáo dục không đúng mức, thu những khoản không cần thiết. Tình trạng lạm thu xảy ra năm này qua năm khác do cơ chế giám sát của trường, cộng đồng đang bị buông lỏng. Vì vậy phải nâng cao trách nhiệm của Hiệu trưởng về các khoản thu. Theo đó, các khoản thu phải công khai và được thông qua các phụ huynh trước khi thu. Khi xảy ra lạm thu, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Do đó, cần tăng cường công tác giám sát hơn nữa và xử lý thật nghiêm khi xảy ra sai phạm mới dứt điểm được lạm thu." - TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học, Tâm lý giáo dục Hà Nội


Tăng cường thanh tra, kiểm tra thu, chi

"Năm ngoái, con trai từng học tại trường THCS Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy). Khi đó, trường thu quỹ phụ huynh lớp 1.500.000 đồng/kỳ nhưng không lập dự toán thu khiến phụ huynh bức xúc. Trường còn thu thêm 500.000 đồng/học sinh lớp 6 tiền lắp điều hòa.

Theo tôi, sở dĩ để xảy ra tình trạng thu chi không đúng quy định là do lãnh đạo ngành giáo dục chưa triệt để thanh tra, kiểm tra và xử lý chưa nghiêm. Tôi hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND quận, huyện và tăng cường thanh tra, kiểm tra thu chi đầu năm học, ngành giáo dục, tình trạng lạm thu sẽ bị đẩy lùi." - Bà Triệu An Nhiên - phụ huynh học sinh, phố Chính Kinh, quận Thanh Xuân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần