Chấn chỉnh thị trường tư vấn du học bằng việc kiểm tra?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức dịch vụ tư vấn du học (TVDH) trên địa bàn TP năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016...

Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức dịch vụ tư vấn du học (TVDH) trên địa bàn TP năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 diễn ra sáng 21/12, chính lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội cũng thừa nhận: Ngoài các công ty, trung tâm TVDH đã được cấp phép, vẫn còn những địa chỉ vì lợi nhuận mà quảng cáo, chiêu sinh không đúng thực tế… gây ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. 

Nhu cầu ngày càng lớn

Vài năm trở lại đây, đời sống người dân ngày càng được cải thiện trong một nền kinh tế mở với giao lưu hội nhập quốc tế phát triển, vấn đề du học lại càng được quan tâm. Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài (Sở GD&ĐT), tổng số học sinh (HS) hiện đang theo học các chương trình ngắn hạn, dài hạn năm 2015 tại các tổ chức TVDH trên địa bàn Thủ đô là gần 3.000 - một con số chứng tỏ nhu cầu du học của HS rất lớn. Bà Nguyễn Kim Chi - đại diện Công ty THHH Phát triển quốc tế (IDC) tại Hà Nội cho biết, một thực tế không thể phủ nhận là thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều hạn chế. Trong khi đó, giáo dục nước ngoài đang có nhiều ưu điểm hơn và đặc biệt là khắc phục được nhiều hạn chế của giáo dục Việt Nam như trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin…
Tư vấn hướng nghiệp, du học cho học sinh THPT tại quận Hai Bà Trưng tháng 9/2015. 	Ảnh: Chiến Công
Tư vấn hướng nghiệp, du học cho học sinh THPT tại quận Hai Bà Trưng tháng 9/2015. Ảnh: Chiến Công
Bởi thế, du học không chỉ là cơ hội được học tập trong môi trường tiên tiến, hiện đại mà còn là cánh cửa mở ra những chân trời kiến thức rộng lớn. Tuy nhiên, theo bà Chi: “Vấn đề du học của HS, về cơ bản đó là quyền lợi và khả năng riêng của mỗi HS, mỗi gia đình. Nhưng, tiếp cận ở một tầm nhìn rộng hơn, đây lại là vấn đề thuộc về quyền lợi quốc gia, đòi hỏi một sự quan tâm định hướng trong chiến lược phát triển giáo dục chung của nước nhà".

Ngày càng biến tướng

Trước lượng "cầu" ngày càng nhiều, "cung" cũng được dịp bung ra, kèm theo những "biến tướng" của việc chạy theo lợi nhuận bất chấp uy tín. Ngoài những trung tâm TVDH làm ăn nghiêm túc, thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xuất hiện nhiều địa chỉ quảng cáo, chiêu sinh không đúng. Đại diện một trung tâm TVDH ở quận Cầu Giấy cho biết, trên thị trường có nhiều công ty trôi nổi, không đủ giấy phép kinh doanh. Tại cùng một địa bàn có tới hơn 200 công ty tư vấn cả lao động lẫn du học. Hiện, HS Việt Nam đến 70% muốn nhờ việc đi du học để kiếm tiền, không có ý thức học tập, bỏ học, trốn ra ngoài làm việc rất nhiều. “Có hiện tượng này vì trên thị trường có nhiều công ty trôi nổi, không đủ giấy phép, đưa ra hình thức chiêu sinh không đúng thực tế, không chú trọng việc đào tạo định hướng cho HS trước khi đi, nên nhiều HS khi sang nước bạn bị "sốc" văn hóa, bỏ học, trộm cắp… Điều này gây ra những ảnh hưởng xấu đến thị trường TVDH của Việt Nam nói chung và đối với HS hiện đang học tại nước sở tại nói riêng" - vị này cho hay.

Chính vì thế, rất nhiều đại diện đơn vị TVDH bày tỏ mong muốn các cấp quản lý giám sát chặt chẽ hoạt động TVDH và xử lý mạnh nếu vi phạm. Ví dụ, nếu công  ty nào có HS đi du học mà bỏ học sẽ không được phép tuyển sinh tiếp. Bên cạnh đó, yêu cầu các công ty TVDH khi đưa HS ra nước ngoài du học phải ký cam kết, phải chịu trách nhiệm với chính HS của mình. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục có yếu tố nước ngoài (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Thanh Minh cũng thừa nhận, thời gian qua đã có những ý kiến không tốt phản ánh từ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… về HS, người lao động Việt Nam làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. “Để không còn tiền lệ xấu như đã xảy ra, rất cần sự quản lý chặt chẽ của cấp quản lý đối với công ty đã và sẽ có những biểu hiện phạm pháp, khoanh vùng để tăng cường công tác thanh, kiểm tra các công ty có hiện tượng quảng bá, lôi kéo HS, có hình thức xử lý nghiêm” - bà Minh nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, với những đơn vị không có tính pháp lý, hoạt động chui, người đi du học sẽ gặp rủi ro cao, HS bị cung cấp thông tin sai lệch, gây tốn kém thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Từ thực tế trên, những người trong cuộc cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, xử lý những trung tâm hoạt động trái phép để thị trường TVDH hoạt động lành mạnh.