Chấn chỉnh tình trạng ôm đất dự án rồi bỏ hoang: Quy trách nhiệm chính quyền địa phương

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai...

Ngay từ những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ chấn chỉnh bất cập, yếu kém trong lĩnh vực này.

Nhiều diện tích đất dự án bỏ hoang

Theo kết quả tổng hợp gần đây từ Bộ TN&MT, cả nước có 3.205 dự án, diện tích khoảng trên 85.163ha (chưa tính đến diện tích đất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp) đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Đáng quan ngại, tình trạng này không chỉ tập trung riêng ở đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà còn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, TP, tập trung nhiều nhất ở khu vực ven biển.

Dự án bỏ hoang nhiều năm tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Doãn Thành
Dự án bỏ hoang nhiều năm tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Doãn Thành

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, dựa vào kết quả giám sát của HĐND TP tính đến hết năm 2021, trên địa bàn có 379 dự án trong tình trạng chậm triển khai rải rác ở khắp các quận, huyện, ngay cả những dự án tọa lạc khu vực trung tâm TP được xem là “đất vàng” nhưng cũng nằm đắp chiếu hàng chục năm gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách Nhà nước và tạo ra làn sóng bức xúc trong dư luận.

Đơn cử như: Dự án Trung tâm điều hành & giao dịch Vicem (quận Nam Từ Liêm), vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, khởi công vào tháng 5/2011, đối diện Vicem Tower có dự án Apex Tower (lô HH3, đường Phạm Hùng), xây dựng trên khu đất diện tích 2.780m2, khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay cũng chỉ mới hoàn thiện phần thô. Địa bàn quận Hà Đông, tòa nhà Tokyo Tower tọa lạc tại số 48 Vạn Phúc diện tích đất gần 4.600m2, từng được tung hô là ''trái tim của quận Hà Đông'' khởi công đầu năm 2015 với 51 tầng nổi giờ giống như “xác không hồn”; hay dự án Khu giáo dục Nguyễn Trãi do Công ty CP Đầu tư & Phát triển nhân lực (Ladeco) phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 năm 2007 nhưng sau 15 năm dự án vẫn là một bãi đất bỏ trống, sình lầy chưa thể triển khai.

Nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TP Hà Nội như: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì... đang có sự hiện diện của hàng loạt dự án bỏ hoang, chậm triển khai. Cá biệt như huyện Mê Linh được xem là điểm nóng với gần 50 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, nằm đắp chiếu hàng chục năm nay, một số dự án đã kéo dài tới gần 20 năm. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ đạo tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra dự án chậm triển khai.

“Kết quả có 379 dự án chậm triển khai đã ban hành kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án kiến nghị thu hồi thì nay thu hồi được 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng; 63 dự án chậm GPMB, những dự án còn lại vướng một số nội dung, chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục” – ông Bùi Duy Cường cho hay.

Chấm dứt tình trạng giao đất tùy tiện

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, trong đó yêu cầu Bộ TN&MT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích gây lãng phí đất đai.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, Bộ TN&MT đã có kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi một số nội dung liên quan đến quy hoạch để xử lý quy hoạch treo; phân cấp cho UBND tỉnh, TP tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý những dự án kinh doanh BĐS trên địa bàn nhằm thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng dự án, kiến nghị với cơ quan Nhà nước theo thẩm quyền giải quyết vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định.

Bộ TN&MT cũng vừa đề xuất xây dựng “Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội” trình Chính phủ phê duyệt. Đề xuất nhằm đẩy nhanh việc đưa diện tích đất của các dự án không hoặc chậm triển khai, để hoang hóa, gây lãng phí - dự án “treo” vào sử dụng.

Xung quanh vấn đề này, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, tình trạng ôm đất nhưng chậm triển khai thực hiện hay biến tượng dự án xảy ra ở hầu hết các tỉnh, TP nơi có dự án đô thị, nhà ở... đáng chú ý ngay trung tâm Thủ đô cũng tồn tại dự án kéo dài đến 20 năm không thực hiện. Đến thời điểm này đích thân Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo cho thấy sự quyết liệt để giải quyết triệt để vấn nạn này.

Một dự án khi được cấp phép trước hết phải tuân thủ quy hoạch, phù hợp với kinh tế địa phương, năng lực nhà đầu tư. Nhưng thời gian qua, việc cấp phép, phê duyệt dự án diễn ra một cách quá dễ dàng, dựa vào “quan hệ thân quen”, lợi ích nhóm, vì vậy thiếu đi công tác thanh tra, kiểm tra năng lực nhà đầu tư.

Đáng quan ngại nhất là sự lỏng lẻo trong quy định pháp luật về quản lý đất đai, khi dự án được phê duyệt thì nhà đầu tư dùng ngay dự án đó để thế chấp ngân hàng lấy tiền đầu tư, thậm chí làm việc cá nhân khác. Hay nói cách khác, nhà đầu tư đã lấy tài sản Nhà nước đi thế chấp phục vụ lợi ích riêng, còn dự án cứ nằm đó khi nào được giá thì bán sang tay, một dự án có thể sang tay 4 – 5 chủ đầu tư là chuyện không hiếm gặp.

Riêng đối việc đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, vấn đề này cũng phải đi kèm với luật, vì phải khẳng định rằng những dự án bỏ hoang là do lỗi của chính quyền các địa phương, khi cấp thì dễ dàng sau đó lại thiếu công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý.

Thời gian tới, cần chấm dứt tình trạng giao đất tùy tiện như trước đây, mà phải qua đấu thầu công khai, minh bạch nhưng phù hợp luật pháp và điều kiện thực tế, không phải thích bỏ giá bao nhiêu thì bỏ. Tôi cho rằng trong luật phải quy định rõ ràng về việc quy trách nhiệm người đứng đầu chính quyền nơi để xảy ra tình trạng dự án cấp phép rồi bỏ hoang, chậm triển khai.

Câu chuyện kỷ luật nguyên Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Thuận mới đây liên quan đến việc cấp phép dự án cần phải được lãnh đạo địa phương khác xem như bài học cảnh báo” – KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Các chuyên gia đều chung quan điểm, để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm đất đai trước tiên cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ lập, thẩm định đến đẩy mạnh phân cấp trong hệ thống chính quyền địa phương, thanh tra xử lý vi phạm về kế hoạch sử dụng đất. Việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất phải quy định rõ hơn về tính chất, loại dự án để giao đất.

 

"Giải pháp tình thế hiện nay là cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án mà nhà đầu tư không đủ năng lực. Những dự án nào đủ điều kiện tiếp tục triển khai thì thực hiện biện pháp đánh thuế, càng để lâu thì càng phải chịu nhiều thuế." - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng

"Để giải quyết tình trạng dự án bỏ hoang, chậm triển khai công việc đầu tiên phải sửa đổi Luật Đất đai phù hợp điều kiện thực tế, theo hướng thông thoáng cho DN, thuận lợi đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng đồng thời cũng phải có chế tài cụ thể, cá nhân, tập thể trong cơ quan quản lý vi phạm xử lý đúng theo luật, DN vi phạm tiến hành thu hồi dự án, xử phạt vì trước giờ chúng ta hay “đánh đồng”
đổ lỗi hết cho DN." - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần