Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấn chỉnh vi phạm an toàn thực phẩm tại huyện Gia Lâm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với số cơ sở sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là thách thức đối với huyện Gia Lâm. Xử lý nghiêm các vi phạm là giải pháp quyết liệt đang được huyện tập trung chỉ đạo trong Tháng hành động Vì ATTP năm 2023.

100% số cơ sở vi phạm bị xử lý

Theo thống kê, toàn huyện Gia Lâm có tổng số 9.498 cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm. Trong đó, số lượng cơ sở kinh doanh chiếm đa số với 9.340 cơ sở. Số lượng cơ sở rất lớn, tuy nhiên, quy mô nhỏ lẻ lại chiếm chủ yếu. Điều này khiến công tác quản lý ATTP của huyện gặp không ít khó khăn.

Thực hiện Kế hoạch số 93/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, từ cuối tháng 3/2023, huyện Gia Lâm đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND để tổ chức triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2023. Trong đó, đã thành lập 3 đoàn liên ngành tuyến huyện và 22 đoàn tuyến xã, thị trấn, tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực ATTP.

Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm một cơ sở tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm một cơ sở tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Từ giữa tháng 4/2023 đến nay, các đoàn liên ngành tuyến huyện đã kiểm tra 75 cơ sở; tuyến xã, thị trấn kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP đối với 382 cơ sở. Kết quả tại tuyến xã, thị trấn, có 357/382 cơ sở đạt, 25 cơ sở ghi nhận vi phạm quy định về ATTP. Trong khi đó, 58/75 cơ sở thuộc tuyến huyện được kiểm tra bảo đảm các điều kiện ATTP, 17 cơ sở khác chưa đạt tiêu chí sản xuất - kinh doanh an toàn.

Đáng chú ý, 42/42 cơ sở có vi phạm đều đã bị cơ quan chức năng huyện Gia Lâm lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 120 triệu đồng. Tỷ lệ xử phạt vi phạm của huyện Gia Lâm đạt 100%. Các cơ sở được yêu cầu tạm ngừng sản xuất - kinh doanh cho đến khi khắc phục các lỗi vi phạm được đoàn liên ngành chỉ ra.

Duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, công tác bảo đảm ATTP luôn được địa phương quan tâm. Trong đó, huyện duy trì công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên nhằm thay đổi nhận thức của chủ thể sản xuất - kinh doanh và hành vi của người tiêu dùng trong lựa chọn thực phẩm an toàn. 

Về kết quả kiểm tra, ông Hà Tiến Nghi cho rằng, so với tổng số cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm hiện đang hoạt động trên địa bàn huyện Gia Lâm thì số lượng cơ sở được kiểm tra còn thấp. Hoan nghênh địa phương đã xử phạt 100% cơ sở vi phạm quy định về ATTP, nhưng ông Nghi cũng đề nghị huyện cần làm rõ báo cáo, chỉ rõ vi phạm nội dung gì để tập trung chỉ đạo khắc phục.

Tại cuộc làm việc mới đây với huyện Gia Lâm về việc triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2023, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Hà Tiến Nghi - Trưởng đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội đánh giá cao công tác chỉ đạo của huyện, nhất là đối với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Dù vậy, qua kiểm tra thực tế, nhận thức của một bộ phận chủ thể sản xuất - kinh doanh vẫn còn những hạn chế nhất định.

Trưởng đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội Hà Tiến Nghi cũng đề nghị huyện Gia Lâm cần có kế hoạch duy trì các biện pháp quản lý ATTP sau Tháng hành động. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các cơ sở nhỏ lẻ ở tuyến xã, thị trấn; xử lý nghiêm vi phạm để tạo sức răn đe.