Chặn đà giảm dân số - nhìn từ Nhật Bản

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch cung cấp thêm tiền cho các cặp vợ chồng khi sinh con. Tuy nhiên, với chi phí tăng chóng mặt và tiền lương không ổn định, điều đó khó có thể là một động lực thích hợp.

Liệu kế hoạch mới của Nhật Bản nhằm tăng tỷ lệ sinh có hiệu quả? Đây là câu chuyện không hẳn của riêng Nhật Bản.

Có 125,7 triệu người Nhật Bản vào năm 2021, giảm từ mức cao nhất là 128 triệu năm 2017. Ảnh: DW
Có 125,7 triệu người Nhật Bản vào năm 2021, giảm từ mức cao nhất là 128 triệu năm 2017. Ảnh: DW

Nguyên nhân khó khăn về tài chính

Có 125,7 triệu người Nhật Bản vào năm 2021, giảm so với mức cao nhất là 128 triệu vào năm 2017. Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet trước đại dịch virus corona đã dự đoán rằng tổng dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 53 triệu người vào cuối thế kỷ này.

Trong những thập kỷ gần đây, người Nhật đã chọn kết hôn muộn hơn và sinh ít con hơn, một quyết định chủ yếu do những lo ngại về tài chính.
Theo số liệu do Bộ Y tế Nhật Bản công bố vào giữa tháng 9/2022, chỉ có 384.942 trẻ sơ sinh được sinh ra trong 6 tháng đầu năm nay, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí sinh ra và nuôi dưỡng cho một đứa trẻ ngày càng trở nên đắt đỏ khiến người ta không muốn sinh đẻ, dù Chính phủ Nhật Bản luôn có một khoản tiền hỗ trợ không nhỏ cho gia đình sinh con.

“Số tiền chúng tôi nhận được từ chính phủ chắc chắn rất hữu ích khi tôi sinh con trai và chúng tôi rất biết ơn, nhưng số tiền đó vẫn không trang trải hết chi phí nằm viện của tôi”, Ayako, một bà nội trợ giấu tên ở Tokyo cho biết. Ayako cho biết thêm chi phí sinh con trung bình ở Nhật Bản dao động vào khoảng 473.000 yen, tờ Mainichi đưa tin.

Ayako nói với DW: “Một đứa trẻ cần quần áo và thức ăn, và chúng nhanh chóng lớn lên và đòi hỏi nhiều hơn thế. Tôi đã nghỉ làm và điều đó ảnh hưởng đến số tiền chúng tôi kiếm được. Và trong khi chồng tôi có một công việc ổn định và thu nhập vẫn như trước khi xảy ra đại dịch, thì chi phí cho những thứ như thực phẩm và nhiên liệu cơ bản đã tăng mạnh trong những tháng gần đây".

Chính phủ “ly dị” với thực tế?

Chính phủ Nhật Bản, nhiều chính quyền địa phương đều đã đưa ra các biện pháp khuyến khích mọi người lập gia đình nhiều hơn. Các biện pháp này bao gồm cung cấp ô tô và thậm chí là nhà miễn phí ở các vùng nông thôn đang bị giảm dân số nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, phần lớn các biện pháp về vật chất chỉ đơn giản là hứa hẹn và nếu có cũng không đáp ứng được so với nhu cầu thực tế.

Noriko Hama - một nhà phân tích và giáo sư kinh tế tại Đại học Doshisha ở Kyoto cho biết: "Vấn đề không phải là ném tiền vào các cặp vợ chồng trẻ và mong họ sinh thêm con. Vấn đề chủ yếu là cơ sở hạ tầng xã hội chưa đủ để mọi người cảm thấy an toàn để sinh con. Hiện tại, mọi người không hài lòng với môi trường mà họ sẽ phải nuôi dạy một đứa trẻ và cho đến khi điều đó được cải thiện, tỷ lệ sinh sẽ không phục hồi”.

Noriko Hama chỉ ra rằng, Nhật Bản từ lâu đã thiếu chỗ tại các nhà trẻ dành cho các bậc cha mẹ đang đi làm dù điều trớ trêu là có quá ít trẻ em. Trong khi đó, các sự kiện ở trường, các đội thể thao và các nhóm sau giờ học khiến phụ huynh tốn kém. Một chi phí lớn liên quan đến các lớp học "juku" (học thêm) để đảm bảo rằng một đứa trẻ được vào một trường trung học tốt và sau đó là một trường đại học tốt.

Giáo dục đại học thường kéo dài 4 năm ở Nhật Bản và có thể là một sự tiêu hao lớn nguồn lực gia đình, ngay cả khi sinh viên đó có việc làm bán thời gian. Và với mức lương hầu như không thay đổi trong hơn một thập kỷ và chi phí hàng ngày tăng lên cùng với lạm phát, áp lực đang lớn hơn bao giờ hết, Noriko Hama nói.

Giáo sư này nhận xét: “Chính phủ Nhật hoàn toàn xa rời thực tế của người Nhật bình thường. Mọi người và tôi e rằng, chính phủ không cảm nhận được sự bất an, nỗi sợ hãi và nhu cầu của người dân. Cho đến khi chúng ta có một chính phủ nhận ra nhu cầu của công chúng, thì tình trạng này mới thay đổi".

Sẽ có những thay đổi mạnh mẽ

Những tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe đang giúp nhiều người Nhật Bản sống lâu hơn bao giờ hết, với số liệu thống kê của chính phủ công bố vào tháng 8/2022 cho thấy một phụ nữ Nhật Bản có thể sống đến 87 tuổi và một người đàn ông là 81 tuổi.

Tuy nhiên, đồng thời, số ca sinh vào năm 2021 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục sau Thế chiến II, chỉ hơn 811.000. Số người trong độ tuổi lao động cũng đang giảm khi nhiều người bước vào tuổi nghỉ hưu.

Để thay đổi thực tế nói trên, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản có ý định tăng cường cho hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia. Điều này tạo ra môi trường tốt để người dân an tâm hơn khi sinh và nuôi dưỡng con cái.
Haruko Noguchi - chuyên gia về kinh tế chăm sóc sức khỏe tại Đại học Waesda ở Tokyo cho biết: “Sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản là tốt nhất trên thế giới vì tất cả mọi người từ người rất giàu đến người rất nghèo đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế”.

Ngoài ra, để ngăn chặn đà giảm dân số, Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch cung cấp thêm 80.000 yen (592 USD) cho các cặp vợ chồng có con. Hiện tại, cha mẹ mới ở Nhật Bản nhận được khoản thanh toán một lần là 420.000 yen khi một đứa trẻ được sinh ra.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, số tiền đó là vẫn không đủ để thuyết phục những người đang vật lộn với giá cả tăng cao và thu nhập trì trệ sinh con. Các biện pháp đã được đưa ra, nhưng đà giảm sinh có được ngăn chặn hay không thì còn phải chờ đợi.

 

Hiện cứ 4 người Nhật ở độ tuổi 30 thì có 1 người nói rằng họ không có kế hoạch kết hôn. Các nhà phân tích nói rằng đó là do áp lực tài chính ngày càng tăng và mong muốn sống mà không có nghĩa vụ xã hội. Aya Fujii, một nhà tâm lý học ở Tokyo, chỉ ra rằng tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm kể từ những năm 1970, vấn đề hiện nay đã trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều và chính phủ dường như đang đấu tranh để tìm ra cách để ngăn chặn sự suy giảm.