Còn nhiều băn khoăn
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thu hiện hành liên quan đến BĐS gồm: Khoản thu khi xác lập quyền sở hữu, sử dụng và thu khi đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản (bao gồm tiền sử dụng, tiền thuê đất, tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, lệ phí trước bạ). Ngoài ra, còn thu trong quá trình sử dụng tài sản (gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp); thu khi chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản (bao gồm thuế thu nhập DN khi người chuyển quyền là cơ sở kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân khi người chuyển quyền là hộ gia đình, cá nhân).
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính đề cập đến nội dung liên quan đến việc đánh thuế BĐS. Bởi trước đó, vào tháng 4/2018 đã có đề xuất xây dựng dự án Luật Tài sản quy định đối tượng chịu thuế chính là đất, nhà, công trình xây dựng trên đất… nhưng không nhận được sự đồng thuận nên phải "gác" lại. Tuy nhiên, trong lần đề xuất này vẫn còn đó những ý kiến băn khoăn.
Anh Nguyễn Văn Toàn, công nhân nhà máy thép tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh vẫn phải đi thuê nhà để ở, đang mong muốn mua một căn hộ chung cư giá thấp theo hình thức trả góp. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, thuế giao dịch nhà ở của cá nhân đang quy định mức 2% nhưng lại đánh đồng cho cả những người mua nhà lần đầu và người đã sở hữu nhiều nhà ở.
“Tôi mong muốn với việc đánh thuế nhà, đất khi mua bán, Nhà nước sẽ quy định rõ hơn về mức thuế dành cho đối tượng mua nhà, đặc biệt với những người thuộc nhóm thu nhập thấp và mua nhà lần đầu như gia đình tôi. Nếu mức thuế tính chung như vậy, chúng tôi sẽ gặp khó khăn so với người có điều kiện kinh tế tốt hơn” – anh Nguyễn Văn Toàn nói.
Bên cạnh những băn khoăn về chưa quy định rõ từng nhóm đối tượng (tính theo thu nhập và số lượng tài sản sở hữu) khi xác lập quyền sở hữu tài sản, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về chiêu trò trốn thuế khi giao dịch BĐS. Theo quy định, người bán là cá nhân chuyển nhượng BĐS phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân, DN đóng 20% trên thu nhập, cùng một số loại phí, lệ phí khác.
“Vì vậy, rất nhiều trường hợp người mua, người bán bắt tay nhau để cùng thực hiện những chiêu trò nhằm trốn thuế. Ví dụ, trong giao dịch với cá nhân, mức giá bán ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với thực tế; còn đối với DN khi muốn chuyển nhượng sản phẩm cho nhau sẽ không làm hợp đồng trực tiếp, mà chuyển nhượng cho cá nhân sau đó cá nhân chuyển nhượng lại DN khác” – luật sư Trần Cao Ngãi, Hội Luật gia Việt Nam cho hay.
Triệt tiêu đầu cơ, bình ổn thị trường
Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về nội dung sửa đổi luật thuế liên quan đến BĐS của Bộ Tài chính nhưng phần lớn ý kiến đều cho rằng đây là thời điểm rất thích hợp để đề xuất thuế nhà, tài sản. Vì thời gian qua, tình trạng đầu cơ BĐS xảy ra đã mang đến nhiều hệ lụy cho thị trường BĐS, sốt đất thường xuyên xảy ra và lan rộng trên cả nước, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đại bộ phận người, đặc biệt với nhóm người thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị...
Ngoài ra, việc một số DN, nhà đầu tư bắt tay với “cò” đất thực hiện chiêu trò thổi giá, thực hiện giao dịch ảo nhằm dẫn dụ nhà đầu tư mới, chưa có kinh nghiệm tham gia vào thị trường, trong vòng xoáy này không ít người tiền mất, tật mang, rơi vào tình cảnh nợ nần, phá sản. “Áp thuế tài sản sẽ là công cụ hữu hiệu để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS nhưng đòi hỏi dữ liệu thị trường phải thật chuẩn xác, thuế đánh trực tiếp lên người sở hữu BĐS chứ không phải thuế chuyển nhượng nên sẽ hạn chế đầu cơ vào thị trường này. Sắc thuế cần tập trung mạnh hơn đối với những người sở hữu từ 2 sản phẩm BĐS trở lên, việc tăng giá BĐS khi thêm thuế này sẽ khó xảy ra” – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính vì thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam hiện chỉ là 0,03%, trong khi ở các quốc gia khác thông thường mức thuế suất khoảng 1 - 1,5%. Nếu đưa vào thực hiện không chỉ hạn chế việc đầu cơ, mà còn hạn chế nhà đầu tư thứ cấp do phải chịu thuế cao, giá BĐS sẽ được bình ổn, thị trường bớt đi một tác nhân gây ra bong bóng nhà đất.
Tuy nhiên, trước khi tính đến việc đánh thuế tài sản, cơ quan quản lý Nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh đúng đối tượng, mục tiêu, đảm bảo đánh thuế công bằng, giúp thị trường ổn định, phát triển tốt hơn nhưng không kìm hãm hoạt động đầu tư phát triển của thị trường. Đồng thời phải giữ nguyên tắc thuế này không đánh vào người nghèo mà đánh vào đầu cơ tích trữ nhà ở nên nội dung của luật phải đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà giá trị cao. Cùng với đó, việc cấm thực hiện giao dịch BĐS bằng tiền mặt cũng được xem là giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng lách luật, trốn thuế.
“Việc đóng thuế cũng cần phải quy định rõ ràng, ví dụ khu vực đô thị giá đất cao thì thuế cao, nông thôn giá thấp thì thuế thấp. Người dân sẽ căn cứ vào khả năng tài chính, thu nhập của mình mà lựa chọn nơi ở phù hợp, hạn chế tình trạng di cư ồ ạt gây quá tải hạ tầng đô thị. Thuế chính là công cụ hữu hiệu để điều chỉnh dòng người tự do tìm nơi cư trú, tạo nên nguồn lao động chất lượng cao cho quá trình phát triển cả đô thị và nông thôn” – GS. TSKH Đặng Hùng Võ nói.
"Việc đánh thuế nhà và tài sản phải nhắm đến triệt tiêu được nạn đầu cơ, hạn chế tình trạng lũng loạn thị trường, thổi giá BĐS lên quá cao. Nhưng quá trình đánh thuế cũng cần xét đến bảo vệ quyền lợi cho đại bộ phận người lao động, công chức có thu nhập thấp." - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính
"Phải đánh thuế cao, lũy tiến vào tiền đầu cơ BĐS, chứ không phải áp thuế trên giá trị BĐS. Điều này đồng nghĩa ai “ôm” nhiều đất đai đầu cơ, không có dòng tiền kinh doanh sẽ bị thu thuế cao hàng năm. Vì vậy, cần đánh thuế cao đối với BĐS thứ hai trở đi, nhà, đất bỏ hoang đầu cơ chờ giá lên, vì đó là trọng tâm gây nhiều hệ lụy làm tăng giá nhà đất, gây bất bình đẳng." - Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh