Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chặn dòng “tín dụng đen”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngăn chặn “tín dụng đen”, chấn chỉnh dịch vụ đòi nợ thuê là vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua.

Vấn đề càng “nóng” hơn khi những thông tin về cho vay trực tuyến online biến tướng được báo chí phản ánh và đây cũng là một trong những nội dung được quan tâm tại phiên họp của Chính phủ vừa qua.

Trong Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 9/2018 vừa qua, Chính phủ đã nhấn mạnh, Bộ Công an phải chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi. Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có kiến nghị với Bộ Tài chính về việc tham mưu cho Chính phủ chấm dứt dịch vụ đòi nợ thuê. Có thể nói rằng, đây là những “động thái” cần thiết để sớm chấn chỉnh lại các dịch vụ này.

Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” và cùng dịch vụ ăn theo là “đòi nợ thuê” đang tăng nhanh chóng về số lượng với đủ hình thức, biến tướng, len lỏi trong đời sống. Những hoạt động tín dụng kiểu này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho người vay cũng như gây ra những hệ lụy đối với trật tự an toàn xã hội. Việc nâng cao ý thức phòng ngừa liên tục được đưa ra nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Vì rất nhiều nguyên nhân, nhiều người vẫn tìm đến kiểu tín dụng ngoài luồng này và không ít trường hợp do lỡ “dính” vào mà đã ở cảnh tiến thoái lưỡng nan. Dù đã có những quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ này, nhưng tình trạng nhiều DN đòi nợ sử dụng nhân viên không đúng điều kiện tiêu chuẩn; hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định… đã gây mất trật tự xã hội, thậm chí để lại những hậu quả khó lường ở rất nhiều vụ việc cụ thể.

Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng “tín dụng đen”, dịch vụ đòi nợ thuê đang tồn tại biến tướng, gây hoang mang trong dư luận là điều mà nhiều người đặt ra. Nhưng ngăn chặn các vấn đề này không thể là việc của một ngành, một cấp, mà đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Trước hết, ở góc độ pháp luật, việc kiểm soát chặt chẽ, có chế tài nghiêm khắc, có các văn bản quy định hợp lý hay thậm chí đưa “dịch vụ đòi nợ thuê” vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh như đề xuất của TP Hồ Chí Minh cũng là việc cần thiết. Qua đó góp phần hiệu quả ngăn chặn những biến tướng, tác động tiêu cực đến trật tự xã hội… Đồng thời, đúng như nhiều ý kiến nhận định, để người cần tiền không tìm đến với “tín dụng đen” như một giải pháp cứu cánh trước mắt và “sập bẫy”, các hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội cần mở rộng và linh hoạt hơn, với nhiều hình thức, cách thức vay phù hợp với từng loại hình, đối tượng, tránh cảm giác “ngại” cho người cần vốn. Thiết nghĩ, chỉ có sự vào cuộc sớm, sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt của các ngành, các giải pháp mới xử lý được vấn đề như mong đợi của dư luận.