Chăn nuôi Việt Nam dưới thời thuộc Pháp

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh trồng trọt, người Pháp đã làm thay đổi ngành chăn nuôi truyền thống của Việt Nam. Đó là chăn nuôi tập trung ở các đồn điền, trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa; bổ sung cơ cấu giống vật nuôi; áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi, thú y.

Chăn nuôi tập trung ở đồn điền, trang trại

Chăn nuôi là hoạt động sản xuất truyền thống của người Việt Nam, với kỹ thuật đơn giản theo kinh nghiệm, số lượng ít, chủ yếu để tự cung tự cấp.

Sau khi thôn tính Việt Nam, người Pháp, trong chính sách khai thác thuộc địa, đã chú trọng đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt và các thực phẩm chăn nuôi như sữa, pho mát ngày càng nhiều cho người châu Âu.

Cảnh nông dân Việt Nam làm ruộng thời xưa. Ảnh tư liệu
Cảnh nông dân Việt Nam làm ruộng thời xưa. Ảnh tư liệu

Trước hết, người Pháp bằng nhiều chính sách khác nhau đã cướp đoạt, tập trung đất đai để xây dựng hệ thống đồn điền trồng trọt và chăn nuôi. Ở Bắc Kỳ, tính đến năm 1918, đã có 16 đồn điền chuyên chăn nuôi với diện tích 3.304,85ha. Trong đó ở Hải Phòng có 3 đồn điền, Bắc Ninh 4 đồn điền; Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam mỗi nơi có 1 đồn điền. Ngoài ra có 121 đồn điền kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Tất cả các đồn điền này đều do người Pháp quản lý. Các đồn điền này chủ yếu nuôi bò, trâu, ngựa, dê, cừu, gà tây. Ở Trung Kỳ, những năm đầu thế kỷ XX, nhằm đáp ứng nhu cầu phân bón cho cây công nghiệp, nhất là cà phê nên các chủ đồn điền đã chú trọng phát triển chăn nuôi.

Ở Nam Kỳ chủ yếu là đồn điền trồng lúa có kết hợp chăn nuôi để đảm bảo sức kéo và phân bón.

Nhìn chung giai đoạn này, mặc dù chăn nuôi đã có bước chuyển đổi rất cơ bản nhưng quy mô vẫn chưa đủ lớn, vẫn chưa khai thác được nhiều tiềm năng ở cả ba kỳ.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, với chủ trương tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, số lượng đồn điền chăn nuôi tăng lên nhanh chóng. Lúc này ở Bắc Kỳ có 98 đồn điền dành cho chăn nuôi với tổng diện tích 15.448,1513ha, chiếm 52,97% diện tích đồn điền; năm 1919, có ít nhất 30.000 con gia súc.

Năm 1926, ở Ninh Bình, có khoảng trên 5.000 con gia súc được nuôi ở các đồn điền; ở Hà Nam khoảng 6.500 con, còn Thái Nguyên luôn duy trì mức tối thiểu 3.000 con. Tổng giá trị đàn gia súc ở các đồn điền Bắc Kỳ năm 1930 khoảng 15 triệu franc, tương ứng 3% giá trị đàn gia súc của người Việt ở khu vực nông thôn.

Thời kỳ này, Trung Kỳ trở thành trung tâm đồn điền chăn nuôi lớn nhất nước, nhất là chăn nuôi gia súc với 620.000 con. Lúc này Bắc Trung Kỳ trở thành một trung tâm chăn nuôi và xuất khẩu trâu bò lớn nhất của cả nước. Theo thống kê của Y. Henry (trong Kinh tế nông nghiệp Đông Dương, Hà Nội 1932), năm 1930, đàn trâu bò ở Bắc Trung Kỳ lên tới 247.025 con. Tổng số đàn gia súc ở Trung Kỳ là 421.895 con bò và 200.073 con trâu, riêng ở Bắc Trung Kỳ số lượng bò đã là 166.770 con (chiếm tỷ lệ 39,5%), trâu là 80.255 con (chiếm tỷ lệ 40%). Đàn bò ở Bắc Trung Kỳ nhiều hơn cả đàn bò của các tỉnh Bắc Kỳ cộng lại (143. 525 con) hay cả Nam Kỳ cộng lại (139.952 con)... Gia súc ở Trung Kỳ có chất lượng cao nên được xuất đi nhiều nơi khác.

Nhờ phát triển chăn nuôi nên đã tăng thêm sức kéo và phân bón cho ngành trồng trọt. Vào đầu thập kỷ 1930 là 1 đầu trâu, bò/2,55ha ruộng ở Bắc Kỳ, 1,22ha ở Trung Kỳ và gần 5ha ở Nam Kỳ.

Một đặc điểm đáng chú ý là việc vận chuyển, mua bán, thuê mướn trâu bò để làm sức kéo giữa Nam Kỳ và các xứ khác như Trung Kỳ, Cao Miên, Xiêm, Lào đã diễn ra khá nhộn nhịp. Thịt gia súc, gia cầm không chỉ đáp ứng tại chỗ mà còn lưu chuyển trong cả nước và xuất khẩu.

Tại cảng Sài Gòn, năm 1935, đã xuất khẩu 10.308 tấn thịt lợn, hơn 300 tấn gia cầm, 300 tấn xương gia súc. Điều đó chứng tỏ, sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất về sau, ngành chăn nuôi ở Việt Nam, dưới sự quản lý của người Pháp đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm và gắn liền với kinh tế đồn điền. Đây là sự khác biệt so với chăn nuôi truyền thống, tự cung tự cấp trước đó của người Việt.

Đổi mới phương thức và kỹ thuật chăn nuôi

Người Pháp đã nhập nhiều giống gia súc, gia cầm mới có năng suất và giá trị kinh cao vào Việt Nam từ Pháp, Hà Lan, Úc, Ấn Độ… Đó là các giống bò sữa, ngựa, lợn, gà tây, ngỗng… Henri Cucherousset trong sách Xứ Bắc Kỳ ngày nay, viết năm 1924, mô tả một đồn điền của người Pháp: “Ở trên cái đồi cao thì có tòa nhà Tây, xung quanh có chuồng trâu, tầu bò, cùng là những kho chứa các thức hoa lợi và sản vật.

Tầu bò thì không phải là những con bò cái nhỏ gầy, vắt không có sữa đâu, bò đực cũng không phải là những con yếu còm, toàn là những thứ bò béo mập, lấy giống ở Pháp, ở Ấn Độ, Anh và Úc đem sang. Lợn thì lớn bằng hai những lợn đồng lúa ở miền nhà quê ta, thế mà chăn nuôi giống lợn béo tốt này, cho ăn cũng không tốn hơn giống lợn ta đâu".

Các chủ đồn điền cũng sẵn sàng chia sẻ các giống mới cho người bản xứ nên nguồn giống lợn tốt dần được cải tạo trong các đàn lợn của các hộ gia đình:

“Giả sử làng nào bên láng giềng mà đến mua con lợn con, hay con lợn sề để lấy giống thì nhà điền chủ cũng vui lòng mà bán lại cho, thường khi lại cho không. Cái thái độ các nhà điền chủ Pháp, thực là khác hẳn với người Trung Hoa. Người Trung Hoa xưa nay đem những lợn con vào bản xứ, giống tốt thì đem hoạn đi, như vậy người bản xứ chỉ có thể nuôi lợn cho béo tốt mà thôi, chứ không thể nào lấy giống được” (Henri Cucherousset).

Thay vì các kinh nghiệm dân gian chữa bệnh cho vật nuôi, người Pháp đã sớm quan tâm đến việc nghiên cứu và phát triển ngành thú y ở Việt Nam. Sự nghiệp này được bắt đầu từ khi thành lập Viện Pasteur Nha Trang vào năm 1895 do bác sĩ Alexandre Yersin đứng đầu. Giai đoạn này, viện đã nghiên cứu, sản xuất kháng huyết thanh có hiệu lực chữa khỏi bệnh dịch tả trâu bò; chế tạo vaccine dịch tả lợn; nghiên cứu vaccine dại cho chó; trung bình, mỗi năm sản xuất được trên 6080.000 liều vaccine và 80.000 liều kháng huyết thanh các loại.

Viện Pasteur cũng tổ chức đào tạo chuyên ngành thú y, lớp thú y đầu tiên tổ chức vào năm 1895 đào tạo được 5 người. Sau đó, khoa Thú y thuộc trường Đại học y Hà Nội được thành lập và đào tạo được 135 người trong 20 khóa trong giai đoạn đầu. Ngày 13/11/1901, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ban hành Nghị định số 1687 quy định hệ thống thú y và dịch tễ ở Đông Dương.

Trong Tổng Nha nông - lâm - thương mại có Nha Thú y và Dịch tễ có nhiệm vụ tổ chức công việc của toàn ngành thú y. Quy định pháp lý về thú y giai đoạn này được áp dụng theo Luật Thú y của Pháp ban hành năm 1881, sau đó chuyển sang áp dụng theo Luật Thú y Đông Dương vào năm 1916. Các quy định về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm tra thịt và súc sản, quy định về dược thú y được áp dụng nghiêm ngặt.

Để đa dạng hóa và tăng giá trị sản phẩm, người Pháp đã sử dụng nhiều công nghệ và thiết bị để chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Đó là các thiết bị chế biến sữa tươi, máy bảo ôn, thiết bị sản xuất pho mát. Nhờ có các thiết bị chế biến và bảo quản này, việc phân phối sản phẩm được hiệu quả hơn nhiều.

 

Mặc dù vẫn chưa phát triển thực sự mạnh mẽ để tách khỏi nông nghiệp, trở thành một ngành sản xuất độc lập nhưng chăn nuôi Việt Nam dưới thời thuộc Pháp đã có nhiều chuyển biến quan trọng, đặc biệt là việc áp dụng khoa học kỹ thuật và phương thức sản xuất mới theo hướng sản hàng hóa. Đó là nền tảng quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển như ngày nay.

Kinh tế đô thị cuối tuần