15 năm mở rộng địa giới hành chính:

Chặng đường 15 năm làm nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong những địa phương bắt tay vào làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) từ rất sớm, năm 2008. Từ đó đến nay, Hà Nội liên tục thúc đẩy NNHC bằng nhiều cơ chế, chính sách.

Phát triển vượt bậc

Năm 2013, ngành nông nghiệp Hà Nội đã ban hành những tiêu chuẩn và quy trình sản xuất NNHC tạm thời. Từ năm 2018, khi có Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về NNHC, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội có thêm bước phát triển vượt bậc. Việc có được bộ tiêu chuẩn chính thức của Nhà nước đã tạo được sự yên tâm với những người đầu tư làm NNHC cũng như người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm NNHC trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Trang trại Hoa Viên tiên phong trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn
Trang trại Hoa Viên tiên phong trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn

Những kinh nghiệm cốt lõi của Hà Nội trong phát triển NNHC bền vững trong hơn 10 năm qua đó là: chủ thể người sản xuất có niềm đam mê về ngành nông nghiệp, muốn đi theo hướng hữu cơ nên bắt đầu đi từ những cơ sở nhỏ, bởi NNHC cần quá trình dài, tâm huyết, dần dần mới có được sự lan tỏa. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tổ chức theo chuỗi giá trị, xác nhận nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu và truyền thông tới người tiêu dùng, để sản phẩm NNHC đem lại giá trị thực, khác biệt so với các sản phẩm cùng loại thông thường.

Đi sâu vào từng lĩnh vực của NNHC của Hà Nội có thể thấy, đối với trồng trọt, khó khăn lớn nhất là mất thời gian dài (3 – 5 năm) để chuyển đổi cải tạo đất, tiểu vùng khí hậu và cần làm đúng quy trình mới ra được sản phẩm hữu cơ.

Còn đối với chăn nuôi hữu cơ, khó khăn nhất là vấn đề vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thú y rồi rất nhiều yếu tố khác. Nhìn về tổng quan, lĩnh vực trồng trọt sẽ phát triển hữu cơ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn TP, Hà Nội phát triển đồng đều cả trồng trọt hữu cơ và chăn nuôi hữu cơ. Nên coi trồng trọt hữu cơ là đầu vào quan trọng phục vụ chăn nuôi hữu cơ và ngược lại. Bởi đa số các mô hình hữu cơ thành công trên thế giới đều phải phát triển song song tuần hoàn cả trồng trọt và chăn nuôi.

Những giải pháp căn cơ

Để NNHC phát triển hiệu quả, bền vững, vấn đề quy hoạch đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cần rà soát vùng nào thực sự thuận lợi cho phát triển NNHC mới nên làm. Thứ hai, phát triển các tổ chức chứng nhận có đủ năng lực phân tích, chứng nhận để đánh giá tiêu chuẩn hữu cơ để đảm bảo minh bạch, chứng nhận nó thực sự là sản phẩm hữu cơ.

Làm được như vậy, đương nhiên các quốc gia khác sẽ công nhận sản phẩm hữu cơ của Việt Nam tương đương sản phẩm của quốc gia họ. Như vậy, sẽ thuận lợi cho xuất khẩu, tạo điều kiện thúc đẩy NNHC phát triển. Thứ ba, trên cơ sở quy hoạch, điều kiện chứng nhận, cần xây dựng nhãn hiệu, thậm chí phát triển nhãn hiệu chứng nhận về NNHC.

Bên cạnh đó, vấn đề sản xuất theo chuỗi rất cần thiết. Cần xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, tinh chế tạo ra sản phẩm NNHC có giá trị cao, phát triển dược liệu, đặc biệt là thực phẩm chức năng mang thương hiệu Việt Nam.

Để NNHC phát triển bền vững, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15/8/2022 về phát triển sản xuất NNHC giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai Kế hoạch này, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất NNHC với quy trình kỹ thuật tiên tiến, được kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về NNHC. Song song đó, các địa phương đang xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, DN theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu.

Với định hướng sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm NNHC thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Cùng với đó, tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng internet để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã, DN đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu.

 

Ngành nông nghiệp cũng như lãnh đạo TP Hà Nội rất trăn trở phát triển NNHC, bởi ngoài việc tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, mô hình này còn mang lại môi trường trong lành cho Thủ đô.