Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chặng đường khởi đầu của tư sản dân tộc Việt Nam

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu hình thành từ công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, từ cuối thế kỷ XIX đến 1918, tư sản Việt Nam đã từng bước phát triển trở thành một giai cấp mới.

Tư sản dân tộc, một bộ phận của giai cấp tư sản Việt Nam, ngay từ chặng đường đầu trong lịch sử của mình đã thể hiện được ý thức dân tộc bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Sự hình thành

Cuối thế kỷ XIX, người Pháp chính thức tiến hành khai thác thuộc địa Việt Nam nhằm bóc lột tài nguyên, sức lao động của bản xứ. Tuy nhiên, công cuộc này cũng đã đem lại nhiều biến đổi về kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế thay đổi rõ rệt. Về nông nghiệp, nhiều đồn điền hình thành, các công trình thủy lợi được xây dựng, nhất là ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ.

Các ngành công nghiệp, nhất là khai mỏ, cơ khí vận tải, vật liệu xây dựng và chế biến lâm, nông, hải sản... bắt đầu hình thành. Các khu công nghiệp khai mỏ hình thành; đặc biệt đã xuất hiện các thành phố công nghiệp như dệt Nam Định, cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn, cơ khí vận tải Vinh - Bến Thủy...

“Vua” tàu thủy Bạch Thái Bưởi.
“Vua” tàu thủy Bạch Thái Bưởi.

Năm 1906, cả nước đã có khoảng 200 nhà máy của tư sản Pháp. Đáng chú ý là đã có nhiều nhà máy của tư sản Việt Nam, riêng Sài Gòn có 20 nhà máy xay xát. Tư sản Việt Nam đã lập các công ty, tự điều hành và quản lý sản xuất như Quảng Nam hiệp thương công ty, Quảng Hưng Long, Đông Thành Xương, Bạch Thái Bưởi… Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các ngành công nghiệp phát triển mạnh hơn, quy mô lớn hơn, công nghệ hiện đại hơn kể cả của tư sản Việt Nam.

Một loạt cơ sở vật chất mới xuất hiện và đưa vào sử dụng phổ biến như thông tin liên lạc, giao thông hiện đại (gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không). Không chỉ hình thành một nền tảng sản xuất công nghiệp với công nghệ và thiết bị hiện đại mà còn du nhập phương thức kinh tế tư bản. Từ đó đã tác động mạnh vào quá trình đô thị hóa. Từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, các đô thị Việt Nam ra đời và phát triển ngày càng nhiều.

Cùng với đó là quá trình tiếp biến - đổi mới/duy tân văn hóa, giáo dục. Chữ quốc ngữ được phổ biến thay cho chữ Hán. Nền giáo dục Nho học lạc hậu bị xóa bỏ và thay bằng một nền giáo dục mới - tân học theo xu hướng phương Tây hiện đại.

Sự biến đổi về chính trị, đặc biệt là của nền kinh tế đã tác động đến xã hội Việt Nam, làm xuất hiện các giai tầng xã hội mới. Giai cấp công nhân hình thành và nhanh chóng trưởng thành liên tục về số lượng và chất lượng. Tầng lớp tiểu tư sản thành thị ra đời và lớn mạnh nhanh chóng. Năm 1913, riêng học sinh và giáo viên người Việt đã có 97.976 người.

Đến cuối thế chiến I, riêng số học sinh các trường lớp đã là 68.000 người. Ở nông thôn, ngoài các thành phần cũ là nông dân, địa chủ thì nay đã có thêm tầng lớp phú nông - một đại diện cho thành phần kinh tế tư bản ở địa bàn truyền thống này.

Đáng nói là, từ đầu những năm đầu thế kỷ XX, bên cạnh tư sản người Pháp, Hoa, Ấn Độ đã có sự xuất hiện của tầng lớp tư sản Việt Nam. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thuộc địa, sau thế chiến I, giai cấp tư sản Việt Nam đã chính thức hình thành và nhanh chóng trưởng thành.

Giai cấp tư sản Việt Nam xuất hiện sau giai cấp công nhân bản xứ vì họ hầu như không có tiền đề kinh tế từ trước; nguồn gốc xuất thân chủ yếu là các nhà buôn và một phần là các địa chủ, nhất là ở Nam Kỳ, chuyên làm thầu khoán hoặc đại lý cho Pháp; chỉ có một số ít xuất thân từ các tiểu chủ. Giai đoạn trước thế chiến I, có thể kể tên các hoạt động kinh doanh của tư sản Việt Nam như Công ty Quảng Hưng Long, Quảng Hợp Ích (Bắc Kỳ), Công ty Phượng Lâu (Thanh Hóa), Quảng Nam hiệp thương công ty (Quảng nam), Công ty Liên Thành (Phan Thiết)...

Sau thế chiến I, hoạt động kinh doanh của tư sản Việt Nam mở rộng hơn cả về ngành nghề và quy mô từ xay xát, in ấn, dệt nhuộm, vận tải, sửa chữa cơ khí cho đến sản xuất sơn, xà phòng, đường, nước mắm, đồ gốm… Lúc này, giai cấp tư sản Việt Nam phân hóa thành hai tuyến, hai bộ phận là tư sản mại bản và tư sản dân tộc.

Bộ phận tư sản mại bản ngày càng đông đảo thêm cùng với tốc độ đầu tư của tư bản Pháp. Bắt đầu xuất hiện những công ty có quy mô lớn như Công ty Tri Phú, Quế Dương ở Hải Phòng, hãng Đan Phong ở Hà Nội, hãng Thuận Hòa ở Chợ Lớn. Tư sản mại bản chuyên thầu khoán công việc công chính, xây dựng cũng tăng lên nhiều.

Ở Bắc kỳ, từ 1923 - 1927, có 449 nhà thầu khoán nhận 4 triệu franc xây dựng các công trình công chính. Một số nhà tư sản Việt Nam đã có quan hệ buôn bán với các nước trong khu vực và Pháp. Hàng năm các công ty thương mại này nhập khẩu 3.000 - 7.000 tấn hàng hóa. Đồng thời, họ cũng tổ chức xuất khẩu nhiều hàng hóa Việt Nam như tơ lụa, đồ thêu, đồ sắt, chè, đường… góp phần kích thích sức sản xuất của người Việt.

Bộ phận tư sản dân tộc sau thế chiến I có bước phát triển vượt bậc, cả về số lượng và thế lực kinh tế. Nhiều cơ sở kinh tế đã có từ trước thế chiến I nay được tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, thiết bị kỹ thuật như xưởng sơn của Nguyễn Sơn Hà, xưởng sửa chữa, đóng tàu của Bạch Thái Bưởi, xưởng dệt của Lê Phát Vĩnh. Bên cạnh đó nhiều cơ sở sản xuất mới được thành lập như Nhà máy gạc Hưng Ký (Bắc Ninh), Xí nghiệp dệt Vĩnh An (Huế), công ty phát điện của Lê Phát và Phan Tùng Long ở Nam kỳ...

Các tư sản và địa chủ Việt Nam còn góp vốn thành lập Nhà ngân hàng Việt Nam. Nhiều đồn điền rộng hàng trăm mẫu, thu hút hàng trăm công nhân của tư sản Việt Nam xuất hiện. Một số người còn có cổ phần trong Tập đoàn cao su Đông Dương.

Tuy nhiên, nhìn chung giai cấp tư sản Việt Nam vẫn phát triển chậm bởi nguyên nhân chính là luôn bị tư sản Pháp và Trung Hoa chèn ép. Mặt khác, vì mới hình thành nên dù muốn hay không các nhà tư sản Việt Nam vẫn bị tư tưởng kinh tế của sản xuất phong kiến chi phối, tạo nên sức ì.

Ý thức dân tộc của tư sản dân tộc trong chặng khởi đầu

Sau khi hình thành, tư sản dân tộc Việt Nam đã nhanh chóng xác định được ý thức giai cấp, trách nhiệm với đất nước và nhận ra những khó khăn của mình trong tình thế bị tư sản ngọai quốc chèn ép.

Để nâng cao vị thế kinh tế của mình và chống lại sự chèn ép của tư bản nước ngoài, tư sản Việt Nam đã sớm lập ra các đoàn, các hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhà tư sản.

Tư sản dân tộc đã kêu gọi, động viên người Việt Nam kinh doanh, phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa; cổ động nhân dân dùng hàng nội hóa nhằm khuyến khích kinh tế dân tộc phát triển. Bạch Thái Bưởi không chỉ đi đầu tổ chức vận tải biển, mở xưởng đóng tàu mà còn nổi tiếng với khẩu hiệu “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam” trong cuộc chiến thương mại với tư bản người Pháp và người Hoa.

Cũng chính ông đã đặt tên các danh nhân dân tộc như Đinh Tiên Hoàng, Lạc Long, Trưng Trắc, Lê Lợi, Hàm Nghi... cho các con tàu của mình. Tư sản Việt Nam còn thành lập phòng thương mại của người Việt Nam. Tiếp sau cuộc tẩy chay “khách trú” năm 1919, đến năm 1923, họ tham gia đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn.

Tư sản dân tộc Việt Nam còn đấu tranh để được tham gia vào bộ máy chính quyền thuộc địa như Hội đồng quản hạt, Viện dân biểu và thực hiện đấu tranh quyền lợi trong các cơ quan này.

Trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, tư sản Việt Nam đã lập ra các tờ báo để tuyên truyền cho cách làm ăn mới và quan điểm chính trị của mình, trong đó có góp phần cổ vũ tinh thần dân tộc cho không chỉ giới tư sản mà cả đại chúng, đáng chú ý có tờ Thực nghiệp dân báo (1912) của Nguyễn Hữu Thu, Bùi Huy Tín, tờ Khai hóa (1921) của Bạch Thái Bưởi…

 

Tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp của tư sản dân tộc Việt Nam tiếp tục được phát huy trong hành trình lịch sử của dân tộc suốt hơn một thế kỷ qua. Những tấm gương Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà… vẫn luôn tỏa sáng và đồng hành cùng dân tộc.