Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chào năm học mới với những cách làm mới

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Hà Nội thoang thoảng mùi hoa sữa, ấy là khi thu đến và khai giảng về. Lễ khai giảng năm nay sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến, được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình vào buổi sáng Chủ nhật ngày 5/9 với tất cả các cấp học trên địa bàn TP. Ý nghĩa và giá trị của lễ khai trường cùng tiếng trống ngân vang qua màn ảnh - chắc hẳn sẽ truyền cảm hứng cùng trách nhiệm học tập đến mỗi gia đình, nhà trường, thầy cô và học sinh cho một năm học mới tuy khó khăn nhưng vẫn vẹn nguyên niềm tin cùng bao hy vọng tốt đẹp.

Chủ động thực hiện kế hoạch học tập 
“Ngành giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực đến giáo dục; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và các yêu cầu chất lượng cốt lõi”. Những định hướng về nhiệm vụ năm học mới của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ với hệ thống giáo dục cả nước, trong đó có giáo dục Hà Nội.
Chủ động, linh hoạt và thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid- 19, các nhà trường tại Hà Nội đã chủ động kế hoạch học tập khi tự đặt mình vào hai tình huống: “Nếu vẫn còn dịch” và “nếu kiểm soát được dịch”; tương ứng với việc xây dựng hai kế hoạch bài bản, kỹ lưỡng, khoa học và trách nhiệm.
 Dưới sự hướng dẫn của thầy cô và nhà trường, học sinh chủ động kế hoạch học tập
Là một trường thuộc top đầu khối THCS tại Hà Nội nhiều năm qua, trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đón chào năm học mới với sự hân hoan và nguồn năng lượng dồi dào. Nhà trường chuẩn bị rất kỹ kịch bản đón chào học sinh lớp 6 và lễ khai giảng trực tuyến. Theo Hiệu trưởng Lê Kim Anh, trường đã xây dựng khung chương trình năm học, chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn có kế hoạch dạy học; nghiên cứu chương trình GDPT mới bắt đầu thực hiện từ lớp 6; tiến hành phân công chuyên môn và sinh hoạt tổ nhóm; tổ chức tập huấn sách giáo khoa mới; xây dựng khung chương trình, thời khoá biểu; rà soát các điều kiện học trực tuyến của học sinh; tập huấn thêm một số phần mềm ứng dụng CNTT cho giáo viên… 
Còn cô Lê Thị Hồng Thu - Hiệu trưởng trường THPT Dương Xá (huyện Gia Lâm) cho biết, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện dạy học trực tuyến như bồi dưỡng giáo viên, nâng cao năng lực xây dựng bài giảng trực tuyến; hỗ trợ học sinh về thiết bị, phương pháp học trực tuyến; xây dựng nội quy lớp học online đảm bảo kỷ cương nền nếp giờ học và quản lý sĩ số học sinh...
Phụ huynh, học sinh cùng quyết tâm
Tinh thần sẵn sàng cho năm học mới trong điều kiện vẫn còn dịch bệnh đã được nhà trường chuyển tải đến học sinh và phụ huynh để các bên chuẩn bị tốt nhất cơ sở vật chất phục vụ việc học tập trực tuyến. Vì lẽ đó, khi Sở GD&ĐT Hà Nội phát đi thông báo chính thức: “Nếu tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội được kiểm soát thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay” và “cần xác định việc dạy và học trực tuyến là giải pháp ổn định trong thời gian đầu năm học” thì các phụ huynh, học sinh cũng không bất ngờ mà ngược lại, đã thể hiện quyết tâm rất cao để cùng nhà trường thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học.
 Gia đình tích cực hỗ trợ các con khi học online
Những buổi gặp gỡ online đã được các trường tổ chức; việc kết nối qua nhóm Zalo, Facebook, Viber… được thực hiện thường xuyên để phụ huynh, học sinh nắm về các chủ trương, kế hoạch của nhà trường, đặc biệt với học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10). Học sinh lớp 2, lớp 6 năm nay cũng được quan tâm nhiều hơn do triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Và trăn trở, băn khoăn nhiều nhất vẫn là với học sinh lớp 1 bởi ngay từ những ngày đầu là học sinh tiểu học - khi còn chưa biết đọc, biết viết các em đã phải học online. Tuy vậy, với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm cùng tình yêu nghề, kỹ năng sư phạm và các kiến thức được tập huấn, các thầy cô giáo, nhà trường đã có những giải pháp cụ thể để đạt được hiệu quả học trực tuyến cao nhất.
Đối với bậc mầm non, chủ trương chung của Bộ và của Sở là “không dạy trực tuyến” mà chú trọng các hoạt động kết nối. Cô Đinh Bích Hà - Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Việt Triều hữu nghị (quận Đống Đa) chia sẻ: “Việc kết nối học sinh và gia đình học sinh là nhiệm vụ thường xuyên của giáo viên nhà trường thông qua Facebook, Zalo, ứng dụng Kidsonline. Ngoài ra, các cô giáo vẫn luân phiên gọi điện hỏi thăm từng HS để cô - trò- phụ huynh hiểu nhau hơn và các con cũng cảm nhận được sự quan tâm của cô giáo và nhà trường trước thềm năm học mới”.
Năm học 2021- 2022 đến khi Hà Nội đang ở những ngày cuối của đợt giãn cách xã hội lần thứ 3. Cùng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh để sớm được đến trường, ngành Giáo dục Thủ đô đón chào năm học mới bằng niềm hân hoan và tinh thần học tập nghiêm túc, quyết tâm cùng nhau có những giờ học bổ ích, hứng thú, chất lượng ngay từ những ngày đầu năm học.
Cả hệ thống chính trị quan tâm đến công tác giáo dục
Theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, công tác giáo dục không phải chỉ là việc của riêng ngành Giáo dục mà việc của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, thời gian qua, các công việc liên quan đến GD&ĐT đều nhận được chỉ đạo sâu sắc của các đồng chí trong Thường trực Thành ủy: Từ tổ chức diễn tập chuẩn bị Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT và sắp tới là Lễ khai giảng cũng được Thường trực Thành ủy rất quan tâm. Mong rằng tinh thần đó sẽ được các địa phương, các sở ngành cụ thể hóa, chuyển tải bằng công tác chỉ đạo thực chất, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục để người dân, đặc biệt là học sinh được thụ hưởng chính sách, sự quan tâm tốt nhất…. Với sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần quyết tâm, chúng ta tin tưởng và hy vọng chắc chắn rằng năm học 2021- 2022, Giáo dục Thủ đô tiếp tục đạt được kết quả cao hơn, khẳng định vững chắc vị trí đứng đầu cả nước trong công tác GD&ĐT…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng