Chất lượng bánh trung thu: Đến hẹn lại lo

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chưa vào chính vụ nhưng bánh Trung thu đã được bày bán rộng rãi trên thị trường. Song dù xuất thân từ đâu, thì yếu tố an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn cần đặt lên hàng đầu, đặc biệt với các loại bánh sản xuất thủ công.

Nơi thay đổi, nơi vi phạm
Những ngày gần đây, đường vào làng bánh Trung thu cổ truyền Xuân Đỉnh (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) tấp nập khách đến mua buôn, mua lẻ. Cách đây 2 năm, bánh Trung thu Xuân Đỉnh bị khách hàng e dè sau hàng loạt thông tin khu vực sản xuất bánh ở đây bẩn thỉu, bột làm bánh nhập từ Trung Quốc, nguyên liệu làm nhân bánh phơi trên bạt trải ở lề đường… Năm nay, nhiều xưởng bánh Trung thu lớn trong làng đã chuyển sang sản xuất theo dây chuyền, công khai quy trình làm bánh ngay tại gian bán hàng để tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Trong vai khách mua buôn tìm đến xưởng sản xuất bánh Trung thu Bình C., chúng tôi được chủ hàng đon đả giới thiệu mặt hàng và đưa đi xem tận nơi khu sản xuất. Được sản xuất với quy mô lớn nên các khu vực từ làm nhân, nặn bánh đến đóng gói được bố trí hợp lý. Bàn làm bánh, đóng gói bằng inox, cách mặt đất theo đúng tiêu chuẩn. Nhân viên làm bánh cũng được trang bị đầy đủ găng tay, mũ, khẩu trang, tạp dề. Chủ hàng chia sẻ, những hộ làm “ăn xổi” không đảm bảo ATTP khiến bánh của làng bị mang tiếng rồi cũng không tồn tại lâu được. Chủ hàng sẵn sàng gửi lại cả một hồ sơ giấy tờ đầy đủ giấy chứng nhận ATTP, công bố sản phẩm, các giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm bánh Bình C.

Nhân viên tại cơ sở bánh Trung thu Tùng Lâm chưa được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ khi làm việc.   Ảnh:  Trần Nga

Trong khi nhiều làng nghề bánh Trung thu truyền thống đang cố gắng thay đổi để bánh của làng có vị trí trên thị trường, thì không ít cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại làm ăn theo kiểu “chộp giật”. Cuối tuần qua, Đoàn liên ngành ATTP số 1 của TP kiểm tra tại Công ty TNHH Nhọ Nồi (144 Phó Đức Chính, quận Ba Đình) đã phát hiện nhiều vi phạm trong sản xuất bánh Trung thu. Hình thức kinh doanh chính là cafe, bánh ngọt, nhưng tại tầng 1 của cửa hàng bày bán rất nhiều bánh Trung thu. Điều đáng nói, trên vỏ bánh chỉ ghi thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có số đăng ký hay địa chỉ sản xuất. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đoàn kiểm tra mới tìm ra khu vực sản xuất được che đậy rất tinh vi của cửa hàng. Các thành viên giật mình khi số bột làm bánh tại đây được đựng đơn sơ trong các túi nilon trắng, kiến bò đen bên trong, phụ gia làm bánh đựng trong các chai lọ lộn xộn, không rõ nguồn gốc. Khu vực chế biến ẩm thấp, các khe cửa sổ trong bếp đầy đầu mẩu thuốc lá.
Tương tự, tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tùng Lâm (100 Phó Đức Chính, quận Ba Đình), chủ cơ sở khẳng định, dù làm thời vụ nhưng luôn đặt vấn đề ATTP lên hàng đầu, nên đã cho nhân viên đi tập huấn và khám sức khỏe, nguyên liệu nhập có nguồn gốc rõ ràng. Thế nhưng, tại khu vực sản xuất, nhân viên nhào bột làm bánh ngay gần cửa sổ mở toang hoang mà không có lưới chắn côn trùng. Toàn bộ nhân viên trong xưởng đều không được trang bị mũ bảo hộ, vì vậy bụi bột bám trắng xóa trên đầu tóc, mặt mũi nhân viên nhào bột, nặn bánh. Đặc biệt, thời điểm chúng tôi có mặt tại xưởng sản xuất là ngày 15/9 nhưng khu vực dập ngày sản xuất trên vỏ đánh đã ghi ngày 16/9. Chủ xưởng giải thích rằng “do các cháu nhầm ngày”.
Ngay cả cơ sở sản xuất bánh lớn, có uy tín như Anh Hòa (Công ty cổ phần bánh ngọt Anh Hòa) qua kiểm tra cũng phát hiện vi phạm: khu vực sản xuất chật hẹp, lộn xộn, nền nhà bẩn, nhân viên làm bánh không đeo khẩu trang, nguyên liệu để lẫn trong khu sản xuất. Đặc biệt, các khay trứng để làm bánh nhiều quả đã bị dập vỡ, hỏng mà không ai dám chắc rằng trước đó cửa hàng có dùng loại trứng này để sản xuất hay không.
Tăng cường thanh, kiểm tra
Thanh tra, kiểm tra được coi là cách để nâng cao ý thức đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất. Hà Nội đã thành lập 3 đoàn liên ngành TP,  30 quận, huyện, thị xã cũng đã thành lập các đoàn liên ngành cấp cơ sở để tăng cường thanh, kiểm tra trước, trong và sau Tết Trung thu. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của TP Trần Văn Chung nhấn mạnh, năm nay các đoàn sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, chú trọng đến các cơ sở sản xuất, cơ sở chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, nếu phát hiện vi phạm sẽ buộc dừng sản xuất cho đến khi khắc phục được. Ông Chung đề nghị, các cấp quận, huyện, xã, phường phải mạnh tay và minh bạch trong xử lý ATTP. Mỗi người dân cũng có thể là một giám sát viên, khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở sản xuất bánh Trung thu nào không đảm bảo ATTP có thể báo cho cơ quan chính quyền địa phương để xử lý kịp thời.
Về vấn đề cấp phép sản xuất, giấy chứng nhận đảm bảo ATTP, cam kết đảm bảo ATTP của các hộ kinh doanh, ông Chung yêu cầu các quận, huyện phải chú ý đẩy nhanh tiến độ thực hiện cho các cơ sở, tránh tình trạng hết vụ sản xuất mà DN không hoàn thiện được hồ sơ. Đối với các cơ sở không đủ điều kiện, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận ATTP. “Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, khuyến cáo người dân nên mua bánh ở những nơi sản xuất có uy tín, chú ý đến ngày sản xuất, hạn sử dụng và các nhận diện bên ngoài của bánh đảm bảo ATTP” – ông Chung nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia:
Không ăn quá nhiều bánh Trung thu
Về phía dinh dưỡng, chúng tôi khuyến cáo, mọi người không ăn quá nhiều bánh Trung thu cũng như các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Đặc biệt, đối với người thừa cân, béo phì hay tiểu đường nên dùng sản phẩm dành riêng cho từng đối tượng.
Chị Nguyễn Hoài Phương (phố Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội):
Tiềm ẩn mối lo
Có lần ham rẻ, tôi mua phải bánh Trung thu không đảm bảo chất lượng. Khi mua về, kiểm tra mới biết trên nhãn mác chỉ ghi nơi sản xuất chung chung là “Làng nghề La Phù, Hoài Đức”. Mặc dù bánh chưa hết hạn sử dụng, nhưng đã bị mốc. Từ lần sau, mua bất cứ thực phẩm gì, tôi đều phải chú ý đến nhãn mác, có ghi đầy đủ các thông số mới mua. Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng chúng tôi lo lắng, dù trên bao bì thực hiện đúng quy định, nhưng chất lượng bánh thế nào mới là vấn đề. Đó là nguồn gốc thực phẩm, là phẩm màu có trong danh mục cho phép hay không, điều kiện cơ sở sản xuất ra sao. Mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không chỉ đối với các cơ sở, công ty sản xuất lớn mà chính các làng nghề, những cơ sở gia công nhỏ lẻ mới tiềm ẩn nhiều mối lo. (Nhật Nguyên ghi)
Ông Trần Ngọc Tụ Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội:
Không nên mua bánh trôi nổi
Phần lớn các cơ sở có tên tuổi đều đảm bảo được quy định sản xuất an toàn. Song một số cơ sở nhỏ, thủ công đã cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không đảm bảo, cơ sở sản xuất chật hẹp, nhân viên không được khám sức khỏe, nặn bánh trực tiếp bằng tay chưa rửa sạch. Người tiêu dùng khi mua bánh Trung thu phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh có ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Sản phẩm được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập. Sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần