Chất lượng dân số Hà Nội: Không để lùi bước

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao, tốc độ già hóa dân số (DS) diễn ra nhanh là những thách thức đang đặt ra với ngành DS Hà Nội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ số phát triển con người của Hà Nội vẫn nằm trong nhóm cao nhất của cả nước. Trong những bước đi tiếp theo của ngành DS, truyền thông sẽ là biện pháp hữu hiệu đưa chính sách DS đến gần với người dân hơn.
Tỷ số giới tính chưa có xu hướng giảm
Theo thống kê của Chi cục DS – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, TP đã “chào đón” thêm trên 75.000 trẻ. Điều đáng mừng, số trẻ sinh ra là con thứ 3 đã giảm đi rõ rệt. Trong năm 2012, số sinh con thứ 3 lên đến gần 12.000 trẻ, thì nay dừng lại ở 3.500 trẻ.
Tuy nhiên, những người làm công tác DS thừa nhận, tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao và chưa có xu hướng giảm. Hiện, tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Nội đang duy trì ở mức 114,4 trẻ trai/100 trẻ gái (trong khi toàn quốc là 113,4/100). Đặc biệt, các huyện Sơn Tây, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Ba Vì, Mê Linh tỷ số này vẫn ở mức trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Bên cạnh đó, do chính sách giảm sinh thực hiện có hiệu quả, phúc lợi xã hội và công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) Nhân dân được cải thiện nên tỷ lệ người cao tuổi cũng tăng lên, chiếm tới 11% DS.

Khám, tư vấn sàng lọc trước sinh là cách hữu hiệu để nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: Hà Ngân

Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy chia sẻ, cách hay nhất để đối mặt với những thách thức trên là phải đặt vấn đề chất lượng DS lên hàng đầu. Vì vậy, trong năm qua, Hà Nội luôn chú trọng đến các chương trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, các mô hình CSSK người cao tuổi, CSSK sinh sản vị thành niên, khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân… Nhờ đó, trên 70% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh nhờ siêu âm hội chẩn và chọc ối làm nhiễm sắc thể; trên 80% trẻ sơ sinh được khám sàng lọc, nhiều trường hợp phát hiện thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh đã được điều trị kịp thời. Đặc biệt, hiếm có TP nào như Hà Nội khi 30/30 quận, huyện, thị xã đều được triển khai mô hình CSSK người cao tuổi. Hàng chục ngàn người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và thường xuyên được tuyên truyền phổ biến kiến thức CSSK.
Truyền thông làm cầu nối
Trước những khó khăn và thách thức đặt ra, ngành DS đã xác định rõ những “bước đi” tiếp theo trong năm 2017 và cả giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, ông Tạ Quang Huy nhấn mạnh, công tác truyền thông sẽ là “cây cầu nối” để những những chính sách, mục tiêu của ngành DS đến được với người dân một cách thiết thực và hiệu quả. Theo ông Huy, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao hiệu quả quản lý DS sẽ tiếp tục là những mục tiêu chủ chốt của những người làm công tác DS trong thời gian tới. Các loại hình đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề sẽ là những biện pháp được “ưu ái” nhất vì “dễ đi vào lòng người”.
Tuy nhiên, ông Huy chia sẻ, các chiến dịch DS cần thay đổi các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Đối với những địa phương có mức sinh và sinh con thứ 3 trở lên thấp thì cần tăng cường các chiến dịch nâng cao chất lượng DS. Đối với những địa phương có mức sinh và sinh con thứ 3 trở lên cao, cần lồng ghép kiến thức CSSK sinh sản, KHHGĐ vào các buổi tuyên truyền để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, các hình thức truyền thông phải “đúng” và “trúng”, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Phải tuyên truyền sao cho người dân xóa bỏ định kiến về giới tính, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ tuyên truyền viên DS các cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị thực hiện công tác DS. Có vậy, chất lượng DS Hà Nội mới không bị thụt lùi.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội  Hoàng Đức Hạnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần