Chất tạo ngọt phổ biến trong đồ ăn kiêng không đường có thể gây ung thư

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai hội đồng chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/7 cùng ra các kết luận về chất tạo ngọt aspartame - được cho "có thể gây ung thư", nhưng vẫn an toàn nếu tiêu thụ ở hàm lượng đã quy định.

Aspartame là một trong những chất làm ngọt phổ biến nhất thế giới, được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm từ nước ngọt Coca-Cola ăn kiêng đến kẹo cao su Mars' Extra.

Các đánh giá ngày 14/7 đến từ 2 hội đồng chuyên gia riêng biệt của WHO. Trong kết luận đầu tiên được công bố vào đầu ngày thứ Sáu, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) có trụ sở tại Lyon cho biết aspartame là "chất có thể gây ung thư".

Phân loại này nghĩa là có bằng chứng cho thấy một chất có thể gây ung thư, nhưng không tính đến lượng mà một người sẽ cần tiêu thụ để có nguy cơ đó - điều vốn được xem xét bởi một hội đồng khác của WHO là Ủy ban Hỗn hợp về Phụ gia Thực phẩm (JECFA), cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), có trụ sở tại Geneva.

Sau khi tiến hành đánh giá toàn diện của riêng mình, JECFA hôm 14/7 nói rằng họ không có bằng chứng thuyết phục về tác hại do aspartame gây ra và tiếp tục khuyến nghị mọi người nên duy trì mức tiêu thụ aspartame dưới 40mg/kg mỗi ngày - mức được thiết lập từ năm 1981, được các cơ quan quản lý trên toàn thế giới hướng dẫn cho người dân.

WHO cho biết, mức tiêu thụ được khuyến nghị với aspartame hiện tại có nghĩa là một người nặng từ 60 - 70kg sẽ phải uống hơn 9 - 14 lon nước ngọt ăn kiêng mỗi ngày để vi phạm giới hạn, dựa trên hàm lượng aspartame trung bình trong đồ uống hiện nay.

Một số nhà khoa học không liên quan đến các đánh giá cho biết, bằng chứng liên kết aspartame với ung thư là không rõ ràng. Các hiệp hội công nghiệp thực phẩm và đồ uống nói rằng các quyết định cho thấy aspartame là an toàn, và là một lựa chọn tốt cho những người muốn giảm lượng đường trong chế độ ăn uống của họ.

Giữa những kết luận có vẻ mâu thuẫn về aspartame, người đứng đầu bộ phận dinh dưỡng của WHO Francesco Branca trong một cuộc họp báo hôm 14/7 đã đưa ra khuyến nghị với người tiêu dùng, đặc biệt là những người đang phải phụ thuộc vào chất làm ngọt nhân tạo để tránh đường.

"Nếu phải đối mặt với quyết định uống nước có chất tạo ngọt hay có đường, tôi nghĩ người tiêu dùng nên cân nhắc lựa chọn thứ 3, đó là uống nước khác thay thế" - ông Branca nói.

Chuyên gia này lưu ý rằng kết luận của WHO không thúc giục các công ty loại bỏ hoàn toàn aspartame khỏi sản phẩm của họ, mà thay vào đó kêu gọi sự kiểm duyệt chặt chẽ từ cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đầu năm nay, WHO cũng từng khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể giúp kiểm soát cân nặng - điều mà ngành công nghiệp này đang tranh cãi.

Reuters đưa tin lần đầu tiên hồi tháng 6 năm nay rằng IARC sẽ xếp aspartame vào nhóm 2B là "chất có thể gây ung thư", cùng với chiết xuất lô hội và các loại rau muối chua truyền thống của châu Á.