Tờ WSJ đưa tin, tại một hội nghị được tổ chức vào ngày 16/4, CEO Baidu Robin Li cho biết, người dùng chatbot Ernie đã tăng gấp đôi những tháng qua, lên 200 triệu người dùng và hơn 85.000 khách hàng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cột mốc kể trên của Ernie AI chưa là gì so với ChatGPT, nền tảng chatbot lớn nhất thế giới với 1,77 tỷ lượt truy cập trên toàn cầu trong tháng 3. Hay như Gemini của Google có hơn 433,5 triệu lượt truy cập.
Được giới thiệu lần đầu vào ngày 16/3/2023, Ernie được mệnh danh là "ChatGPT của Trung Quốc". Nhưng khi đó, Baidu khiến công chúng thất vọng vì màn trình diễn của CEO Robin Li chỉ có những câu hỏi và nội dung được chuẩn bị sẵn. Cùng lúc đó, đối thủ OpenAI đã nâng cấp lên GPT-4 và được Microsoft tích hợp vào công cụ tìm kiếm Bing.
Nguyên nhân được cho là hãng công nghệ Trung Quốc đã phải vật lộn để bắt kịp OpenAI và tinh chỉnh Ernie. "Chúng tôi chỉ có thể tự mình nghiên cứu. OpenAI mất hơn một năm để đào tạo ChatGPT và cần thêm một năm nữa cho GPT-4. Có nghĩa là Baidu đã chậm hai năm", theo nguồn tin được tiết lộ từ một nhân viên của công ty.
Tuy nhiên, ba tháng sau bản thử nghiệm đầu tiên, Baidu cho thấy những bước phát triển đáng kể của Ernie. CNBC đánh giá nỗ lực nghiêm túc của Baidu khắc họa rõ nét cuộc cạnh tranh khốc liệt trên mặt trận AI giữa Trung Quốc và Mỹ.
Cuối tháng 6/2023, trang chủ Baidu dẫn kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí China Science Daily, cho biết Ernie 3.5 đã tăng khả năng suy luận lên gấp 17 so với bản tiền nhiệm, vượt qua ChatGPT của OpenAI trong một số bài kiểm tra điểm chuẩn bằng tiếng Trung. Khi chuyển sang tiếng Anh, chatbot của Trung Quốc vẫn thua siêu AI của phương Tây.
Hiện Trung Quốc chưa phê duyệt cho mô hình chatbot được phát triển từ bên ngoài được hoạt động trong nước. Tháng trước, WSJ dẫn nguồn tin cho biết Apple muốn đưa chatbot Ernie vào iPhone và các thiết bị khác ở Trung Quốc.
Đầu năm nay, khi giới thiệu tính năng AI trên Galaxy S24, Samsung cho biết smartphone đầu bảng của họ đã tích hợp chatbot Ernie để phục vụ người dùng Trung Quốc.