Châu Á hối hả đón Tết Bính Thân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán đã cận kề. Cũng như Việt Nam, người dân ở nhiều nước châu Á đang náo nức chuẩn bị đón Tết Bính Thân ấm cúng bên gia đình.

Hồi hương

Đặc trưng của cái Tết châu Á vốn là trở về quây quần bên gia đình, ôn lại những chuyện trong năm để hướng tới một năm mới tốt đẹp hơn. Điều nghe có vẻ đơn giản kỳ thực lại không hề dễ dàng.

Ngày 22/1, nhà ga xe lửa lớn nhất Hàn Quốc - Seoul Station mở cửa bán vé từ 9 - 11 giờ sáng nhưng hàng trăm người dân đã tới đây từ đêm hôm trước và hơn 1.000 người  xếp hàng để mua vé tàu bất chấp thời tiết giá lạnh. “Tôi đến đây từ 11 giờ tối hôm trước để mua 6 vé về quê ăn Tết Seollah (Tết Nguyên đán trong tiếng Hàn) nhưng không kịp” - ông Kwon Hyun-jin, 33 tuổi cho biết.
Năm nay, nhiều lao động ở Trung Quốc nghỉ Tết sớm vì công việc đình trệ.
Năm nay, nhiều lao động ở Trung Quốc nghỉ Tết sớm vì công việc đình trệ.
Tại Hàn Quốc, 70% vé tàu được tung lên hệ thống đặt trực tuyến, do đó lượng vé ở nhà ga khá hạn chế. Chủ yếu hành khách tại đây là những người cao tuổi. “Họ thà xếp hàng cả tiếng, thay vì đặt vé trên mạng” - theo một giới chức của công ty vận tải Hàn Quốc Korail. Tuy nhiên, quá trình đặt vé tàu trực tuyến không ít gian nan. Hệ thống trực tuyến hoạt động từ 6 giờ, tuy nhiên lượng truy cập lớn làm “tắc nghẽn” công tác đặt vé tàu. “Có khoảng 10.000 người trong danh sách chờ đợi khi tôi truy cập hệ thống từ lúc hơn 6 giờ. Tôi chờ 50 phút mới vào được trang web, nhưng lúc đó vé đã bán hết sạch” - Eun Byul, một thanh niên Hàn Quốc phàn nàn. Tình trạng này vẫn luôn diễn ra mỗi năm tại Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác khi người dân châu Á đồng loạt tìm đến những chuyến tàu trở về sum họp với gia đình.

Bài toán chi tiêu

Chi tiêu dịp cận Tết chưa bao giờ là vấn đề hết “nóng”, nhất là với châu Á, một năm qua trải qua nhiều biến động về tiền tệ do ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc ảm đạm

Tại Malaysia, nơi đồng nội tệ ringgit giảm giá bất thường thời gian qua, lạm phát khiến cuộc sống trở nên đắt đỏ, nhiều người đã lên kế hoạch tổ chức Tết tiết kiệm mà thiết thực. Trong khi người dân ở các TP lớn thường tổ chức bữa đoàn viên ở các nhà hàng theo thường lệ, giá cả tăng cùng nền kinh tế chững lại buộc họ phải lựa chọn tổ chức bữa tất niên tại gia năm nay.

Bên cạnh giảm ngân quỹ dành cho các bữa ăn tất niên, những khoản chi tiêu khác bao gồm trang trí, mua sắm trang phục và bánh kẹo, thậm chí phong tục gửi tiền lì xì (ang pow packet) cho người cao tuổi hoặc còn độc thân ở nước này cũng được xem xét “cắt xén” - theo Malaysia Insider.

Trong khi đó, một trong 4 ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc - Kookmin Bank tuyên bố sẽ lì xì cho ngẫu nhiên 111 “khách hàng nhí” khi sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào trong tết với ý tưởng trẻ em cũng cần được học cách quản lý và tiết kiệm tiền.

Tại Singapore, để giải quyết tình trạng xếp hàng dài ở các điểm rút tiền công cộng trong dịp cận Tết, chính quyền đã lập thêm các bốt pop-up ATM. Đây là các điểm rút tiền có thể “mọc lên” một ngày nào đó rồi lại biến mất vài ngày sau mà không hề báo trước tại các điểm công cộng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng mạnh giai đoạn này. Năm nay, khoảng 36 pop-up ATM được mở thêm tại các câu lạc bộ cộng đồng, tăng hơn so với 29 điểm trong năm 2015.

Tết của người lao động bị ảnh hưởng

Tại Trung Quốc, sau 3 thập kỷ tăng trưởng ở mức hai con số, nền kinh tế lớn thứ hai đã giảm tốc với tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 6,9% - thấp hơn mức dự báo. Sự đi xuống của nền kinh tế, sản xuất đình trệ khiến cuộc sống của tầng lớp lao động đặc biệt bị ảnh hưởng. Một số công nhân bắt đầu nghỉ Tết sớm hơn vì có ít công việc, một số thì chuẩn bị về quê ăn Tết với quà là... bánh gạo.
Một gia đình người Hàn Quốc về quê đón Tết với người thân.
Một gia đình người Hàn Quốc về quê đón Tết với người thân.
Bóng đen suy giảm kinh tế bủa vây tâm trạng của nhiều công nhân ở TP Phật Sơn. Liu Mei, 38 tuổi, quê ở huyện Tân Hóa, tỉnh Hồ Nam cùng chồng là Chu Yangjian, làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ nội thất ở TP Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Năm nay, các nhân viên được nghỉ sớm so với mọi năm vì số lượng đơn đặt hàng và hoạt động sản xuất của công ty đang giảm sút. “Hoạt động kinh doanh không được tốt đẹp. Ông chủ hoãn trả lương cho chúng tôi hai tháng nay. Họ cho phép công nhân được nghỉ lễ sớm" - Liu Mei nói.

Luo Cheng, 40 tuổi, và vợ cũng quyết định về quê sớm một tuần so với kỳ nghỉ năm 2015. Theo Luo, năm nay, công ty sản xuất giầy mà họ đang làm việc ở TP Phật Sơn có ít đơn đặt hàng. Do đó, công ty muốn cắt giảm lương bằng cách cho phép công nhân về quê sớm. Sau kỳ nghỉ Tết, cả hai quyết định không quay trở lại TP dù không biết sẽ làm gì sau này.

Với một số cửa hàng kinh doanh nhỏ, việc làm ăn cũng đang đi xuống, như nhà hàng bánh bao của Lin Xin Ge. Cửa hàng nhỏ của cô và chồng ở trong một khu công nghiệp của Thượng Hải, gần với các nhà máy của iPhone và các tập đoàn công nghiệp lớn khác mà công nhân ở đây là khách hàng của cô. Trong 3 năm kinh doanh của mình, đã có lúc tất cả các chỗ trong cửa hàng đều chật cứng. Nhưng thời gian gần đây thì không. “Công nhân kiếm được tiền ít hơn. Vì thế, ngày càng ít người đến đây và cửa hàng của chúng tôi không còn phát đạt như trước” - Lin Xin Ge nói.

Ở khu công nghiệp Songjiang tại Thượng Hải, cửa hàng của Lin là một trong số ít những nhà hàng vẫn còn mở cửa cho đến ngày Tết Nguyên đán 8/2. Cô Lin cho hay, các nhà hàng khác đã đóng cửa cách đây vài ngày, khi chủ nhân về quê ăn Tết. Cuộc di cư “ngược” của người Trung Quốc về quê trong dịp Tết Nguyên đán bắt đầu từ một tuần trước. Bắc Kinh dự đoán, có gần 3 tỷ chuyến xe từ khoảng 24/1 - 3/3.

Các nhà kinh tế học nhìn nhận, cuộc “đại” di cư năm nay là một trong các tác động từ sự suy giảm kinh tế Trung Quốc. Trong những năm bùng nổ kinh tế, công nhân nhà máy về quê trong các ngày lễ nhưng nhanh chóng trở lại các khu công nghiệp.

Theo phản ánh từ những người di cư bên ngoài nhà máy ở phía Nam Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang Bắc, năm nay, suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến các nhà máy. Công nhân được khuyến khích trở về nhà sớm hơn trong dịp nghỉ lễ vì một số nhà máy đóng cửa hoàn toàn.

Hai công nhân của Foxconn trong cửa hiệu của cô Lin cho hay, những năm trước, nhà máy chỉ cho nghỉ trong 3 ngày Tết. Nhưng năm nay, kỳ nghỉ dài hơn do công ty sẽ đóng cửa trong 7 ngày. Riêng với Lin, cô sẽ dành 8 tiếng đi tàu cao tốc về quê ăn Tết. “Tôi quá mệt, tôi phải làm từ sáng đến sau nửa đêm. Tôi muốn được thư giãn”- Lin nói. Nhưng cuộc sống kinh tế của cô không cho phép Lin nghỉ ngơi lâu. Cô có 2 con nhỏ và phải quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ để kiếm được nhiều tiền hơn.