Châu Âu cậy nhờ... gió và mặt trời

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo mới cho biết, năng lượng gió và mặt trời chiếm 24% tổng lượng điện năng của Liên minh châu Âu - EU kể từ khi Nga xung đột với Ukraine. Sự thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo đã giúp khối này chống lại lạm phát, đồng thời góp phần giảm phát thải khí CO2.

Giảm áp lực năng lượng và tiết kiệm tiền bạc

Sự tăng trưởng công suất điện tái tạo đã giúp khối 27 quốc gia thuộc EU tiết kiệm được 99 tỷ euro (97 tỷ USD) nhập khẩu khí đốt từ tháng 3 - 9/2022, cao hơn 11 tỷ euro (10,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái, theo cho báo cáo được công bố bởi các tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G và Ember.

Sản lượng năng lượng tái tạo kỷ lục của EU đã làm giảm chi phí khí đốt đang tăng lên. Ảnh CNN
Sản lượng năng lượng tái tạo kỷ lục của EU đã làm giảm chi phí khí đốt đang tăng lên. Ảnh CNN

Sự gia tăng năng lượng tái tạo diễn ra khi châu Âu cố gắng phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Thời gian qua, Moscow đã giảm, thậm chí cắt nguồn cung năng lượng cho các quốc gia châu Âu để đạt được đòn bẩy trong cuộc xung đột Nga - Ukraien. EU vào năm 2020 nhập khẩu lượng nhiên liệu hóa thạch khổng lồ, trong đó nhập từ Nga chiếm khối lượng lên đến 41%.

Báo cáo cho thấy 19 trong số 27 quốc gia thành viên của EU đã đạt được lượng gió và năng lượng mặt trời cao kỷ lục kể từ tháng 3/2022.

Ba Lan có tỷ lệ tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm ngoái là 48,5%, trong khi Tây Ban Nha ghi nhận mức tăng sản lượng điện tuyệt đối lớn nhất với 7,4 terawatt giờ (TWh). Riêng với năng lượng tái tạo, Tây Ban Nha đã tiết kiệm được được 1,7 tỷ euro (1,7 tỷ USD) chi phí khí đốt nhập khẩu.

Tuy nhiên, các tổ chức tư vấn đã cảnh báo rằng EU vẫn còn một chặng đường dài để đạt được tiềm năng năng lượng tái tạo. Khí hóa thạch vẫn chiếm khoảng 20% lượng điện của EU trong cùng thời kỳ, với chi phí khoảng 82 tỷ euro (80,7 tỷ USD).

Nhiều năng lượng tái tạo hơn, ít lạm phát hơn

Gió và mặt trời đã tạo ra 345 TWh điện trên toàn EU từ tháng 3 - 9 /2022 - mức tăng kỷ lục 13% so với cùng kỳ năm trước. Tổng công suất năng lượng tái tạo sẽ cao hơn nhiều, nếu thủy điện không giảm 21% do hạn hán vào mùa Hè này.

Tuy nhiên, giá năng lượng của châu Âu vẫn ở mức cao. Báo cáo cho biết, Nga giảm lượng cung khi đốt đối với châu Âu đã dẫn đến “cú sốc lạm phát lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai, đánh bại cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970”. Vào tháng 9/2022, chi phí năng lượng đã tăng 40,8% so với năm ngoái, chiếm 36% trong số liệu lạm phát chung của EU.

Một số quốc gia EU đã công bố các gói hỗ trợ tài chính trị giá hàng trăm tỷ đô la Mỹ để cố gắng hạn chế lạm phát, phần lớn thông qua trợ cấp cho việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sưởi ấm, nhưng nhiều DN và hộ gia đình vẫn còn lại với những hóa đơn mà họ không đủ khả năng thanh toán.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, các chính phủ sẽ không thể duy trì các chương trình tốn kém như vậy "để bù đắp cho giá năng lượng hóa thạch cao trong một thời gian dài".

EU đã cố gắng lấp đầy các thùng chứa khí đốt của mình để vượt qua mùa Đông, nhưng các câu hỏi đã được đặt ra về cách khối này sẽ lấp đầy khoảng trống vào mùa ấm sau. Theo các tác giả của báo cáo, điều này làm cho việc chuyển trọng tâm sang các biện pháp sau mùa Đông 2022/23 càng trở nên quan trọng hơn.

Việc gia tăng năng lượng tái tạo theo sau đề xuất của Ủy ban Châu Âu vào tháng 5/2022, nâng mục tiêu năng lượng tái tạo từ 40% tổng năng lượng vào năm 2030 lên 45%.

Lượng khí thải C02 toàn cầu giảm

Cuối cùng, một số tin tốt trong cuộc chiến chống lại khí thải gây hiệu ứng nhà kính: Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang trên đà tăng dưới 1% trong năm nay. Nguyên nhân được cho là do năng lượng tái tạo và xe điện tăng trưởng, bất chấp những lo ngại lan rộng về việc châu Âu quay trở lại sử dụng than, dầu và khí đốt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA đã công bố dự báo của mình trong một báo cáo hôm 19/10 cho thấy, lượng khí thải CO2 đang trên đà tăng 300 triệu tấn vào năm 2022, đạt 33,8 tỷ tấn. Đó là mức tăng nhỏ hơn nhiều so với mức tăng gần 2 tỷ tấn vào năm 2021 khi thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Mức tăng trong năm nay phần lớn đến từ lĩnh vực hàng không, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

 

Gió và năng lượng mặt trời đã và đang giúp ích cho các công dân châu Âu. Nhưng tiềm năng trong tương lai thậm chí còn lớn hơn.
Nhà phân tích cấp cao tại Ember Chris Rosslowe

“Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu gây ra bởi xung đột Nga và Ukraine đã thúc đẩy nhiều quốc gia sử dụng các nguồn năng lượng khác để thay thế nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên mà Nga đã giữ lại trên thị trường. Tin tức đáng khích lệ là năng lượng mặt trời và gió đang lấp đầy phần lớn khoảng cách, với mức tăng giá than có vẻ tương đối nhỏ và tạm thời” - Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết trong một tuyên bố.

“Điều này có nghĩa là trong năm nay, lượng khí thải CO2 tăng ít nhanh hơn nhiều so với những gì một số người lo ngại và các chính phủ đang thúc đẩy những thay đổi cơ cấu thực sự trong nền kinh tế năng lượng" - báo cáo của IEA cho biết.

IEA cho biết thêm nếu không có việc triển khai năng lượng tái tạo và xe ô tô điện trên toàn cầu, sự gia tăng lượng khí thải sẽ lớn hơn nhiều, có thể lên tới 1 tỷ tấn. Nhu cầu về than đã tăng lên khi xung đột Nga - Ukraine khiến giá khí đốt tự nhiên tăng cao và lượng khí thải CO2 từ sản xuất điện than, phần lớn do châu Á thúc đẩy, dự báo sẽ tăng hơn 200 triệu tấn, tương đương 2%, trong năm nay.

Và mặc dù hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến các dải đất lớn ở Bắc Bán cầu, bức tranh tổng thể về thủy điện vẫn tích cực - sản lượng thủy điện toàn cầu đã tăng trong năm nay và dự kiến sẽ đóng góp hơn 1/5 tăng trưởng năng lượng tái tạo.

Báo cáo của IEA được đưa ra chưa đầy ba tuần trước khi các cuộc đàm phán về khí hậu COP27 bắt đầu ở Ai Cập, nơi các quốc gia dự kiến sẽ đảm bảo kế hoạch giảm phát thải của họ phù hợp với các mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris: kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C, nhưng tốt nhất là 1,5 độ C, so với thời tiền công nghiệp.

Dự báo của IEAE tạo ra bối cảnh tươi sáng hơn dự kiến cho các cuộc đàm phán, nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng, lượng khí thải cần giảm nhanh chóng để giữ được mục tiêu nhiệt độ trái đất không tăng thêm quá 1,5 độ C.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần