Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu đối mặt với rủi ro "sốc" tài chính do biến đổi khí hậu

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cảnh báo từ cơ quan môi trường châu Âu, khu vực này đang phải đối mặt với rủi ro “ngày càng cao” về các cú sốc tài chính mang tính hệ thống do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu dự báo rằng nhiệt độ trung bình dài hạn tại châu Âu sẽ tăng ít nhất 3 độ C vào năm 2050 so với thời kỳ Tiền công nghiệp. “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành Tài chính và Bảo hiểm,” Giám đốc điều hành Cơ quan Môi trường châu Âu (EAA) Leena Ylä-Mononen nói với Financial Times. "Không phải cú sốc tài chính sẽ đến vào ngày mai, nhưng nó đang tích tụ dần," bà nói.

"Nếu châu Âu không bắt đầu thực thi các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng hay đưa ra những lựa chọn sai lầm trong việc đầu tư vào những dự án phát triển xã hội bền vững trước biến đổi khí hậu, thì những rủi ro sẽ ngày càng cao hơn."

Châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất trên thế giới, với nhiệt độ tăng gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ tương ứng với mức tăng 3 độ C trên khắp châu Âu. Theo báo cáo của EEA được công bố vào thứ Hai, hậu quả có thể rất khủng khiếp, báo cáo cảnh báo rằng nếu không có quyết định kịp thời, thì “hàng trăm nghìn người sẽ chết vì nắng nóng và tổn thất kinh tế chỉ riêng từ lũ lụt ven biển có thể vượt quá 1 nghìn tỷ euro mỗi năm”.

Báo cáo cho biết nhiệt độ có thể tăng hơn 7 độ C vào năm 2100. Thời tiết khắc nghiệt có nguy cơ gây ra “giảm thuế, tăng chi tiêu của chính phủ, xếp hạng tín dụng thấp hơn và chi phí vay tăng,” báo cáo nói thêm.

Trong một bản dự thảo phản hồi về báo cáo của EEA do Financial Times tiếp cận, Ủy ban châu Âu cho biết họ có kế hoạch thiết lập “các yêu cầu về khả năng phục hồi khí hậu tối thiểu” cho tất cả những khoản chi tiêu theo ngân sách EU tiếp theo từ năm 2027.

Ủy ban cũng sẽ thành lập một ủy ban để lên kế hoạch các chiến lược cho việc tài trợ các biện pháp thích ứng.

Bản dự thảo báo cáo của ủy ban cảnh báo về “nguy cơ xung đột” giữa các quốc gia thành viên về tài nguyên nước, giảm năng suất do nắng nóng khắc nghiệt và nguy cơ gia tăng các bệnh như sốt West Nile (Siêu vi trùng) và sốt xuất huyết, là các loại bệnh chủ yếu lưu hành ở các vùng nhiệt đới.

Bản dự thảo cho biết sẽ đánh giá các phương pháp điều trị cho các bệnh này. Châu Âu đã phải chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt và cháy rừng dữ dội trong những năm gần đây. Báo cáo ước tính, nắng nóng vào năm 2022 đã khiến 70.000 người châu Âu thiệt mạng. Về mặt kinh tế, thiệt hại cũng rất cao, khi Slovenia ghi nhận tổn thất kinh tế tương đương với 16% tổng sản phẩm quốc nội của nước này sau lũ lụt vào tháng 8 năm ngoái, trong khi cháy rừng tiếp theo lũ lụt ở Hy Lạp đã xóa sổ 15% sản lượng nông nghiệp hàng năm của đất nước này.

Tuần trước, Cơ quan quan sát Trái Đất Copernicus của EU cho biết Bắc bán cầu đã ghi nhận mùa Đông ấm nhất. Theo Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus, nhiệt độ trung bình toàn cầu của tháng 2 cao hơn 1,77 độ C so với mức trung bình thời kỳ Tiền công nghiệp và đây là tháng thứ chín liên tiếp nhiệt độ đạt mức kỷ lục.

Cơ quan lưu ý rằng nhiệt độ mùa Đông bất thường đặc biệt rõ rệt ở Trung và Đông Âu. Ở một số vùng Đông Âu, nhiệt độ đã chạm mốc hơn 10 độ C vào ban đêm và 20 độ C vào ban ngày. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, ở miền Nam Romania và miền Bắc Bulgaria, nhiệt độ của tháng trước lệch so với tiêu chuẩn hơn 14 độ C.

Ylä-Mononen nói rằng nếu các chính phủ không hành động, họ có nguy cơ đối mặt với “các vụ kiện lớn” từ công dân, với các quốc gia Nam Âu có nguy cơ bị tàn phá nặng nề nhất do thời tiết khắc nghiệt và mất mùa.

Sáu thiếu niên Bồ Đào Nha đang kiện 31 quốc gia châu Âu tại Tòa án Nhân quyền châu Âu vì không cắt giảm khí thải, cho rằng những tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.

Ronan Palmer, Giám đốc Kinh tế Sạch tại tổ chức tư vấn E3G, cho biết có một “thông điệp quan trọng” dành cho các Bộ trưởng Tài chính EU, những người cần “suy nghĩ về một kế hoạch để duy trì nền kinh tế ổn định trong khi giải quyết biến đổi khí hậu”.