Ô nhiễm môi trường đe dọa đa dạng sinh học toàn cầu
Kinhtedothi - Con người đang thúc đẩy sự suy giảm đa dạng sinh học ở tất cả các loài trên hành tinh, theo một nghiên cứu tổng hợp hơn 2.000 công trình khoa học.
Dựa trên dữ liệu từ gần 100.000 địa điểm trên khắp các châu lục, nhóm nghiên cứu từ Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Liên bang Thụy Sĩ (Eawag) và Đại học Zurich phát hiện số lượng trung bình loài vật tại các khu vực chịu ảnh hưởng của con người thấp hơn gần 20% so với các khu vực ít bị tác động.
Sự suy giảm rõ rệt nhất được ghi nhận ở các loài bò sát, lưỡng cư và động vật có vú, vốn có quần thể nhỏ, khả năng phục hồi kém và dễ bị tổn thương trước các thay đổi về môi trường. Không chỉ số lượng loài giảm, thành phần quần xã cũng bị biến đổi mạnh.
Nhiều loài bản địa đang dần biến mất, bị thay thế bởi các loài phổ biến hơn hoặc thích nghi tốt với môi trường bị con người thay đổi. Theo nhóm nghiên cứu, áp lực từ con người đã làm thay đổi căn bản việc loài nào sống ở đâu, làm mất đi tính đặc trưng sinh thái tại từng khu vực.

Đa dạng sinh học toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: Pixabay
Nghiên cứu chỉ ra năm nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, gồm thay đổi môi trường sống, khai thác tài nguyên quá mức, biến đổi khí hậu, ô nhiễm và sự xâm nhập của các loài ngoại lai. Trong đó, ô nhiễm và thay đổi sinh cảnh, đặc biệt do nông nghiệp thâm canh, được xác định là các yếu tố tác động nặnOOg nề nhất. Việc sử dụng ồ ạt thuốc trừ sâu và phân bón không chỉ làm giảm số loài mà còn phá vỡ cân bằng tự nhiên giữa các nhóm sinh vật. Nhiều hệ sinh thái bị biến đổi triệt để, mất khả năng tự phục hồi.
Tác động của biến đổi khí hậu cũng đang để lại những dấu hiệu đáng báo động, dù chưa được hiểu đầy đủ. Ở các khu vực miền núi, các loài thực vật thích nghi với điều kiện độ cao đang dần bị thay thế bởi những loài sống ở vùng thấp, khi nhiệt độ không khí tăng nhanh. Hiện tượng này được mô tả là “thang máy dẫn đến tuyệt chủng”, bởi các loài sống ở vùng cao không còn không gian sinh tồn khi môi trường tiếp tục ấm lên. Trong nhiều trường hợp, số lượng loài có thể vẫn giữ nguyên, nhưng sự đa dạng thật sự đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Theo Giáo sư Florian Altermatt, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, đây là một trong những phân tích toàn diện nhất từng được thực hiện để đánh giá tác động của con người đến tự nhiên. Tác giả chính François Keck nhấn mạnh năm nguyên nhân nêu trên có ảnh hưởng nhất quán trên toàn thế giới, bất kể khu vực địa lý, nhóm sinh vật hay hệ sinh thái.
Giáo sư Alexandre Antonelli từ Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew (Anh) đánh giá nghiên cứu mang lại cái nhìn toàn diện về sự tàn phá mà con người đang gây ra cho tự nhiên. Ông cho rằng chỉ bằng cách tích hợp mọi nhóm sinh vật, từ vi khuẩn, nấm, thực vật đến cá và động vật có vú, thì chúng ta mới có thể đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng và đề ra các giải pháp bảo tồn hiệu quả.
Đọc thêm: Đan Mạch – Quốc gia đi đầu trong phát triển xanh
Kết quả nghiên cứu là lời cảnh báo cấp thiết rằng các chiến lược phát triển trong tương lai không thể tách rời nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm và khai thác tài nguyên không bền vững đang gia tăng, việc bảo tồn tự nhiên cần trở thành ưu tiên toàn cầu, gắn liền với an ninh sinh thái, sức khỏe con người và sự ổn định của hành tinh.

Đan Mạch – Quốc gia đi đầu trong phát triển xanh
Kinhtedothi - Các nhà sản xuất cối xay gió đạt được thành công đột phá về mặt công nghệ, nên chi phí sản xuất năng lượng gió tương đương với sản xuất điện ở nhà máy nhiệt điện. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt 1/3 điện năng tiêu thụ từ turbin gió.

“Xanh hóa” năng lượng vì sức khỏe cộng đồng và tương lai an toàn hơn
Kinhtedothi - Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, như gió và mặt trời, không chỉ giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà còn cải thiện sức khỏe con người.