Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách của châu Âu đang khẩn trương chuẩn bị cho khả năng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại từ Washington, bất kể kết quả bầu cử như thế nào.
Cuộc đua giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump diễn ra căng thẳng và sát nút tại các bang chiến địa quan trọng.
Trong bối cảnh này, EU tập trung vào việc đánh giá các kịch bản có thể xảy ra và tìm kiếm biện pháp bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trước chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU, cho biết: “Dù ai chiến thắng, châu Âu vẫn phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ từ Mỹ. Cả hai ứng cử viên đều tập trung vào các lợi ích kinh tế quốc gia, ưu tiên sản xuất nội địa để ứng phó với các thách thức toàn cầu, từ khủng hoảng chuỗi cung ứng đến cạnh tranh địa chính trị. Điều này cho thấy chủ nghĩa dân tộc kinh tế sẽ vẫn là cốt lõi chiến lược của Washington, bất kể người đứng đầu Nhà trắng là ai”.
Một trong những lo ngại lớn nhất của Châu Âu là nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại với Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Đức, Christian Lindner, đã cảnh báo nếu Mỹ phát động chiến tranh thương mại với châu Âu, EU sẽ đáp trả bằng các động thái tương tự. Trong cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, ông Lindner nhấn mạnh châu Âu cần nỗ lực ngoại để thuyết phục chính quyền Mỹ rằng đối đầu thương mại không mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng cho cả hai bên, với giá trị trao đổi hàng hóa và đầu tư đạt 1,2 nghìn tỷ euro (1,29 nghìn tỷ USD) vào năm 2021, theo số liệu từ Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, nếu các chính sách bảo hộ tiếp tục được đẩy mạnh, các nhà xuất khẩu châu Âu có thể đối mặt với thuế quan mới, gây khó khăn cho khối trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm sau đại dịch.
Nếu Phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng, EU kỳ vọng bà sẽ duy trì các chính sách hiện tại của chính quyền ông Biden, đặc biệt là Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA). Mặc dù IRA khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cảm thấy khó chịu do mang tính bảo hộ, nó vẫn mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng xanh và chuyển đổi số. Trong khi đó, nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng, lục địa già có thể phải đối mặt với thời kỳ bất ổn mới, với nguy cơ áp đặt thêm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ châu lục này– điều mà thành viên Đảng Cộng hòa từng đề cập trong nhiệm kỳ trước đây.
Goldman Sachs dự báo nếu chính sách thương mại bảo hộ này được thực hiện, đồng euro có thể suy yếu tới 10%, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế châu Âu. Những năm đầu tiên của ông Trump tại Nhà Trắng từng là giai đoạn khó khăn đối với châu Âu, khi hai bên liên tục bất đồng trong các lĩnh vực như thương mại, quốc gia và công nghệ.
Các quan chức EU đã sẵn sàng cho khả năng ông Trump quay trở lại thông qua việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc. Điều này bao gồm việc tăng cường quyền tự chủ chiến lược và tập trung phát triển công nghiệp nội địa. Vào tháng 10, 27 nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố khả năng phục hồi kinh tế của khối, hướng tới đối đầu với những thách thức sắp tới.
Một quan chức EU cho biết: “Chúng tôi không còn quá lo lắng như trước đây vì đã có những chuẩn bị cần thiết. Thực tế, châu Âu đã cải thiện được quyền tự chủ chiến lược và năng lực quốc phòng, do đó sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể cho dù ai trở thành tổng thống Mỹ sắp tới”.