Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu "thấp thỏm" sau chiến thắng của ông Trump

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quan chức EU lo ngại về nguy cơ bùng phát chiến tranh thương mại với Mỹ sau khi thành viên Đảng Cộng hòa giành chiến thắng.

 Ông D.Trump tuyên bố đã làm nên lịch sử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay. Ảnh: Chip Somodevilla
Ông D.Trump tuyên bố đã làm nên lịch sử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay. Ảnh: Chip Somodevilla

Sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trước đối thủ Đảng Dân chủ Kamala Harris và trở lại Nhà Trắng, các quan chức châu Âu nhanh chóng gửi lời chúc mừng dù ý thức rõ về khả năng đối mặt với một cuộc chiến thương mại mới. Trong hơn một năm, các nhà ngoại giao và lãnh đạo châu Âu đã chuẩn bị cho kịch bản này, đồng thời xem xét các chính sách bảo vệ kinh tế châu lục trước nguy cơ xảy ra xung đột thương mại.

Theo CNBC, một quan chức EU thừa nhận không muốn tin vào kết quả.  Chính sách lãnh đạo mang tính đối đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ trước đã tạo ra nhiều căng thẳng giữa Mỹ và các nước EU, khiến nhiều quan chức châu Âu vui mừng khi ông Joe Biden thắng cử năm 2020, hy vọng vào một mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ôn hòa hơn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Thủ tướng Hungary Viktor Orban là những lãnh đạo EU đầu tiên gửi lời chúc mừng đến Trump. Tuy nhiên, không phải nhà lãnh đạo châu Âu nào cũng bày tỏ sự lo ngại đối với ông Trump. Thủ tướng Hungary Viktor Orban trước đây từng nói ông sẽ mở sâm panh ăn mừng nếu cựu Tổng thống trở lại Nhà Trắng.

EU sẽ có cuộc họp chính thức vào thứ Năm và thứ Sáu tại Budapest, Hungary, để thảo luận về quan hệ tương lai giữa hai bên. Ông Trump đã từng tuyên bố sẽ áp dụng thêm 10% thuế lên các quốc gia châu Âu và nhấn mạnh EU sẽ trả giá đắt nếu không mua đủ hàng hóa từ Mỹ. Quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ rất quan trọng với tổng giá trị thương mại và đầu tư song phương đạt kỷ lục 1,2 nghìn tỷ euro (1,29 nghìn tỷ USD) vào năm 2021. Việc áp đặt thêm thuế có thể gây áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế của châu Âu, vốn đang đối diện với nhiều thách thức.

Một nguồn tin EU khác tiết lộ sẽ có cuộc thảo luận đầu tiên về kết quả bầu cử Mỹ trong cuộc họp Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) diễn ra ngày 7/11 tại Budapest. Các nhà ngoại giao EU lo ngại chính sách thương mại của ông Trump có thể khiến châu Âu rơi vào khó khăn.

Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Chúng ta sẽ xem ông Trump có những phát biểu nào. Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi, Ukraine sẽ gặp khó khăn.”

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế châu Âu sẽ đối mặt thách thức lớn khi ông Trump chiến thắng. Các nhà phân tích tại ING cho rằng nếu thành viên Đảng Cộng hòa tiến hành một cuộc chiến thương mại mới, khu vực đồng euro có nguy cơ rơi vào suy thoái hoàn toàn thay vì chỉ tăng trưởng chậm. Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu và phụ thuộc nhiều vào thương mại với Mỹ, sẽ bị tác động nặng nề, đặc biệt nếu có thuế quan áp lên ô tô châu Âu.

Nhóm các nhà phân tích, dẫn đầu bởi James Knightley, cho biết: “Một cuộc chiến thương mại mới có thể khiến nền kinh tế Đức, vốn đang gặp khó khăn, bị ảnh hưởng trầm trọng bởi thuế quan đối với ô tô châu Âu.”

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết EU cần phải đưa ra các biện pháp trả đũa nếu Mỹ phát động cuộc chiến thương mại. Tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington, ông nhấn mạnh cần phải có nỗ lực ngoại giao để thuyết phục các ứng cử viên tham gia bầu cử tổng thống Mỹ về việc Washington sẽ không nhận được nhiều lợi ích nếu xảy ra xung đột với châu Âu.

Theo các chuyên gia, lãnh đạo EU sẽ cần những biện pháp linh hoạt để ứng phó trước chính sách của ông Trump và duy trì đoàn kết châu Âu. Trước nguy cơ phải đối mặt với những thách thức lớn, việc tăng cường ngoại giao kinh tế và tìm kiếm đối tác mới sẽ là chiến lược quan trọng giúp châu Âu giảm bớt phụ thuộc vào thương mại với Mỹ, từ đó bảo vệ ổn định kinh tế của khu vực.