Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu tiếp tục lao đao vì khủng hoảng năng lượng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá năng lượng châu Âu tăng kỷ lục đang khiến các nhà tiêu thụ điện và khí đốt lớn nhất trong khu vực chịu thiệt hại nặng nề, buộc nhiều “ông lớn” công nghiệp phải cắt giảm sản lượng và đe dọa đà phục hồi kinh tế.

Theo Bloomberg, với chi phí năng lượng tại châu Âu tăng không ngừng, căng thẳng tài chính đang gia tăng thêm áp lực đối với các ngành công nghiệp trong khu vực, như luyện kim và  phân bón.
 Giá khí đốt tại châu Âu lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.150 USD/1.000 m3 trong ngày 21/12.
Cuộc khủng hoảng năng lượng năm nay nghiêm trọng đến mức giá khí đốt đã tăng hơn 800%, trong khi chi phí điện năng tăng khoảng 500%, theo Bloomberg. Giá điện tại châu Âu đã nhảy vọt trong tuần qua do khan hiếm nguồn cung khí đốt, sản lượng điện gió suy giảm, một vài nhà máy điện hạt nhân ngừng phát điện giữa thời điểm châu lục chuẩn bị bước vào đỉnh điểm lạnh giá trong mùa đông. Giá khí đốt tại châu Âu đã vượt ngưỡng 2.150 USD/1.000 m3 khí trong ngày 21/12, ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử. Giá khí đốt giao dịch trên sàn Dutch TTF (Hà Lan) leo dốc tới 27% trong ngày thứ Ba, lên mức 210 USD/MWh.
Sau khi thiết lập mức đỉnh hồi tháng 10 vừa qua, giá năng lượng ở châu Âu tiếp tục lập kỷ lục mới trong tuần do nguồn khí đốt từ Nga cạn kiệt và Pháp bất ngờ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đã giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu trong khi việc cấp chứng nhận cho tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể bị trì hoãn tới tháng 7/2022. Trong khi đó, Pháp thường được coi là nước xuất khẩu năng lượng của châu Âu nhưng đã thiếu hụt năng lượng kể từ khi Công ty điện lực Electricité de France SA ngừng hoạt động 4 lò phản ứng hạt nhân.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng đà tăng mạnh của giá năng lượng sẽ càng đẩy lạm phát tăng cao và có nguy cơ cản trở đà phục hồi kinh tế các nước châu Âu, đặc biệt tại Đức và Tây Ban Nha - hai quốc gia đã ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức cao nhất trong 30 năm. “Giá khí đốt cao hơn, cho cả hộ gia đình và cho các doanh nghiệp, sẽ là những trở ngại cho mọi hoạt động. Đợt tăng giá khí đốt mới nhất này rõ ràng là một diễn biến tiêu cực đối với triển vọng của tất cả các nền kinh tế châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh” - Sarah Hewin, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ tại Standard Chartered, cho biết khi trả lời phỏng vấn Bloomberg TV.
Thủ tướng Italia Mario Draghi cho rằng cần hành động khẩn cấp để đối phó với tình trạng giá năng lượng leo thang. Trong số 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU), 20 thành viên đã hành động để giảm nhẹ đòn giáng của khủng hoảng năng lượng đối với người tiêu dùng và các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất. "Ủy ban EU đang xúc tiến, nhưng chúng tôi cũng cần làm việc ở cấp quốc gia và hỗ trợ cho các gia đình và doanh nghiệp", Thủ tướng Draghi nói với các phóng viên hôm 22/12.
 Nhà máy thép ở Duisburg, Đức. Ảnh: Reuters
Do ảnh hưởng của giá điện tăng cao, Aluminium Dunkerque Industries France, nhà máy luyện nhôm hàng đầu của châu Âu, đã giảm sản lượng trong 2 tuần qua. Công ty kinh doanh đa kim loại toàn cầu Nyrstar của tập đoàn Trafigura sẽ tạm dừng hoạt động một nhà máy luyện kẽm ở Pháp vào đầu tháng 1/2022, và giảm công suất của các nhà máy khác ở Bỉ và Hà Lan. Trong khi đó, tại Montenegro, nhà máy luyện nhôm KAP có thể bị cắt điện vào cuối năm trừ khi nhà máy này đồng ý với mức giá điện cao hơn đáng kể vào năm tới.
Không chỉ ngành luyện kim, chuỗi cung ứng thực phẩm cũng phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu. Nhà sản xuất phân bón hàng đầu của Romania là Azomures, thuộc tập đoàn kinh doanh ngũ cốc Thụy Sĩ Ameropa AG, thông báo đầu đóng cửa các cơ sở sản xuất vì nông dân sẽ không thể mua được sản phẩm với giá cao như vậy.
“Điều này cuối cùng sẽ đẩy chi phí thực phẩm lên cao, và nó sẽ không chỉ tác động đến châu Âu, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia”, Anne-Sophie Corbeau, một học giả nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, cho biết.
Châu Âu có thể sẽ tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn trong năm 2022 khi thời tiết trở nên lạnh hơn và sự cố điện hạt nhân chưa được xử lý xong. Việc một số lò phản ứng của Electricite de France SA ngừng hoạt động nghĩa là Pháp sẽ mất 30% công suất điện hạt nhân trong tháng 1/2022. Điều này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào các nguồn nhiên liệu khác như khí đốt, than đá, và thậm chí là dầu mỏ để hoạt động sản xuất không gián đoạn. "Nếu xảy ra sự cố khác làm gián đoạn nguồn cung hoặc thời tiết lạnh giá hơn trong quý đầu tiên của năm 2022, về cơ bản nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa. Đó là cách duy nhất có thể thực hiện vì chính phủ không thể để người dân chết cóng trong bóng tối” - chuyên gia Corbeau nhận định/.