Ngày 15/7, Hungary, quốc gia thành viên EU, thừa nhận Liên minh châu Âu (EU) đã "tự làm hại mình" bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế được coi là thiếu nghiêm túc đối với Nga và có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.
Theo hãng tin Reuters, trả lời phỏng vấn đài phát thanh quốc gia hôm 15/7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng các lệnh trừng phạt chống Nga của EU, bao gồm với mặt hàng dầu mỏ của Moscow, đã gây ra tác dụng ngược khi chúng còn gây thiệt hại cho châu Âu nặng nề hơn cho Moscow.
"Tôi nghĩ chúng ta [EU] đã tự bắn vào chân mình. Hiện tại, rõ ràng là nền kinh tế châu Âu đã tự bắn vào phổi mình và việc thở lúc này cũng trở nên khó khăn," ông Orban thừa nhận.
Nhà lãnh đạo Hungary lưu ý thêm rằng Ukraine cần sự giúp đỡ, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu nên xem xét lại chiến lược, vì các lệnh trừng phạt đã gây ra thiệt hại trên diện rộng cho nền kinh tế châu Âu mà không hề làm Nga suy yếu hoặc đem lại bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột kéo dài gần 5 tháng qua ở Ukraine.
"Các biện pháp trừng phạt không giúp ích được gì cho Ukraine, ngược lại chúng còn gây hại cho nền kinh tế châu Âu và nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng sẽ bóp nghẹt nền kinh tế châu Âu. Những gì chúng tôi chứng kiến ngay bây giờ là không thể chịu nổi,” Thủ tướng Orban nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Hungary, các nhà lãnh đạo EU nên thừa nhận rằng họ đã tính toán sai lầm và “chính sách trừng phạt dựa trên những giả định sai lầm và chúng phải được thay đổi".
Trong một diễn biến khác, hãng tin RT cho biết gói trừng phạt thứ 7 của EU được cho là sẽ bao gồm lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga.
Trang Euractiv hôm 14/7 đưa tin, vòng trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga sẽ nhằm vào hoạt động xuất khẩu vàng của Moscow và thắt chặt các lỗ hổng hiện có của các lệnh trừng phạt.
Nhập khẩu vàng của Nga đã bị Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada cấm. Quyết định này được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức vào tháng trước. Xuất khẩu vàng của Nga ước tính trị giá khoảng 15 tỷ USD vào năm 2021, lệnh cấm được giới phân tích đánh giá chủ yếu mang tính biểu tượng, vì “đòn” trừng phạt của phương Tây vốn đã đóng cửa các thị trường châu Âu và Mỹ đối với vàng của Nga.
Dẫn lời các nhà ngoại giao EU, trang Euractiv cho biết gói trừng phạt thứ 7 của EU cũng sẽ nhằm vào nhiều thực thể và cá nhân Nga được cho là có liên hệ với Điện Kremlin, đồng thời sẽ bổ sung một số hàng hóa vào danh sách hiện có nhằm ngăn chặn hành vi “né” biện pháp trừng phạt.
Gói trừng phạt thứ 7 dự kiến sẽ được công bố trong tuần tới. Ủy ban châu Âu sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn về những hàng hóa nào có thể và không thể vận chuyển từ Nga đến khu vực Kaliningrad qua lãnh thổ Litva.
Đáng chú ý, các biện pháp trừng phạt tiếp theo của EU sẽ không bao gồm lĩnh vực năng lượng của Nga trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do các lệnh trừng phạt Moscow trước đó.
Gói trừng phạt thứ 6 bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu than và dầu của Nga, nhưng loại trừ Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech - những nước nhận dầu từ Nga qua đường ống.
Ukraine và các đồng minh thân cận ở Đông Âu đã yêu cầu EU ngừng nhận khí đốt của Nga. Tuy nhiên, nhiều nước EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga như Đức và Hungary đang phải đối mặt với những tổn thất kinh tế nghiêm trọng.
Giá trị của đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm kể từ khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga. Ngày 12/7, đồng euro đã giảm xuống mức gần bằng với đồng USD. Trong khi đó, đồng rúp của Nga mạnh hơn so với trước khi nước này triển khai chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng Ukraine.