Chế định thừa phát lại từng bước đi vào cuộc sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Chế định thừa phát lại (TPL) chính thức được cho phép triển khai, hoạt động trên toàn quốc.

Tại Hà Nội, dù còn gặp khó khăn, chế định này vẫn đang từng bước đi vào cuộc sống, ngày càng phát huy vai trò trong đời sống xã hội.

Được người dân đón nhận

Ngày 24/6/2013, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BTP về việc chọn các địa phương mở rộng thực hiện thí điểm chế định TPL, và Hà Nội là một trong 13 địa phương được lựa chọn. Trong thời gian qua, các văn phòng TPL trên địa bàn TP đã hoạt động tích cực, được xã hội, người dân đón nhận. Trong đó, hoạt động tống đạt văn bản và lập vi bằng được đẩy mạnh.
Hoạt động tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Nội.
Hoạt động tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Nội.
Tại Văn phòng TPL Thủ Đô, đã thực hiện tống đạt được 4.200 văn bản các loại, lập 130 vi bằng. Tại Văn phòng TPL Hai Bà Trưng, đã tống đạt 2.670 văn bản tố tụng của tòa án, đảm bảo thời hạn theo đúng quy định của Luật Tố tụng. Văn phòng TPL Hà Nội thực hiện được khoảng 500 vi bằng, được người dân, các tổ chức xã hội đón nhận, tin tưởng. Điển hình là trường hợp Huyện ủy, UBND huyện và Ban GPMB huyện Thanh Trì mời Văn phòng TPL đến ghi nhận buổi cưỡng chế GPMB 5.000m2 đất của 3 hộ dân. Đồng thời, tham gia tư vấn cho địa phương về kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác này an toàn, đúng luật.

Sau thời gian thí điểm, chế định TPL đã mang lại kết quả nhất định. Người dân có thêm công cụ pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tham gia các giao dịch trong đời sống cũng như trong quá trình tố tụng. Bên cạnh đó, TPL với chức năng tống đạt các văn bản của các cơ quan thi hành án (THA) và tòa án (trước kia giao cho thư ký tòa), đã góp phần làm tốt hơn việc thi hành bản án, không những giảm tải cho cơ quan THA mà người dân có thêm lựa chọn phù hợp. Như vậy, hoạt động của TPL đã bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Còn đó những khó khăn

Hoạt động TPL đang từng bước đi vào cuộc sống, tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn mà các văn phòng TPL gặp phải, trong đó khó khăn nhất là công tác xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA. Nhiều vụ việc các cơ quan THA chuyển giao thường khó thực hiện, việc triển khai THA trong thực tế gặp nhiều bất cập. Trong đó, nhận thức của các tổ chức, người dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của TPL chưa đầy đủ, dẫn đến việc triển khai thực hiện thí điểm chế định này chưa được thông suốt, đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác tống đạt văn bản của tòa án cũng gặp khó khăn, đặc biệt là việc thiếu hợp tác của chính quyền phường, xã...

Bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, dù thời gian thí điểm chưa dài, nhưng hoạt động TPL đã thể hiện vai trò, khẳng định được vị trí trong xã hội. Các văn phòng TPL hiện đang gặp khó khăn chủ yếu về thể chế, trong đó các quy định của pháp luật hiện hành mới ở tầm dưới luật, chỉ là các nghị quyết, thông tư, một số quy định còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ. Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã, trong khi thư ký nghiệp vụ của các văn phòng TPL còn ít, vì vậy, việc thực hiện tống đạt các văn bản gặp khó khăn. Ngoài ra, dù TP đã ban hành các kế hoạch tuyên truyền nhưng một bộ phận người dân, tổ chức, chính quyền cơ sở vẫn chưa nhận thức, hiểu rõ về TPL, nên còn do dự khi hợp tác và sử dụng dịch vụ. “Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về TPL; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh toàn diện kết quả hoạt động của các văn phòng TPL, đảm bảo việc thí điểm trên địa bàn TP thành công. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL TP sẽ kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các văn phòng TPL để thực hiện hiệu quả việc thí điểm” - bà Hương nhấn mạnh.