Theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, hiện nay, trên địa bàn TP hiện có 3.064 trang trại. Trong đó, có 2.033 trang trại chăn nuôi, 480 trang trại nuôi trồng thủy sản, 341 trang trại tổng hợp, 209 trang trại trồng trọt, 1 trang trại lâm nghiệp.
Hiện, toàn TP mới chỉ có 178 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại (chiếm khoảng 5,8% tổng số trang trại). Trong đó, có 15 trang trại trồng trọt; 115 trang trại chăn nuôi; 32 trang trại nuôi trồng thủy sản 32 và 28 trang trại tổng hợp.
Hiện nay, nhiều trang trại ngoài tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đã kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm nhằm thu hút các trường học trên địa bàn trong, ngoài Hà Nội, khách du lịch để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, điển hình như: Trang trại hữu cơ Hoa Viên (huyện Thạch Thất), Vạn An (huyện Thanh Trì), Dê Trắng và Đồng quê (huyện Ba Vì)...
Nhìn chung, kinh tế trang trại của Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo việc làm và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đáng chú ý, để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, năm 2019, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Tư vấn phát triển nông thôn tổ chức tập huấn 19 lớp chủ trang trại trên địa bàn TP về xây dựng kế hoạch, dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Tư vấn việc tổ chức, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, phổ biến một số chủ trương chính sách của Trung ương, TP về khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ và kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp.