Sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) gây thương vong đặc biệt nghiêm trọng về người. Ảnh: Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai. |
Nói về công tác chủ động ứng phó, ông Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng kinh nghiệm trong bão số 9. Cơn bão đi quá nhanh. Các bộ ngành địa phương chỉ có chưa đến 48 giờ để triển khai mọi công tác ứng phó. Tuy nhiên, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữ các đơn vị nên chỉ trong thời gian ngắn đã di dời được hơn 45.000 tàu thuyền, 300.000 ngư dân, 108.000 lồng bè. Trong đất liền di dời 400.000 người dân, hơn 100.000 hộ ở 6 tỉnh trọng điểm…
“Nếu đồng lòng, đồng sức, có ý thức chuẩn bị tốt thì sẽ hạn chế được tối đã được thiệt hại do bão gây ra. Dù vậy, trong bão số 9, rất đau lòng khi vẫn có đến 80 người chết và mất tích. Trong đó, có 47 người thiệt mạng do sạt lở đất…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Chính vì vậy, đối với bão số 10, Bộ trưởng đề nghị cần chú ý hoàn lưu mưa do bão số 10, vì toàn bộ miền Trung đã hết sức bão hoà. “Chỉ cần mưa 100 - 200mm trong 1 ngày là thảm hoạ có thể xảy ra tại các tỉnh khu vực miền Trung” - ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong những ngày tới, Bộ trưởng đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia tiếp tục theo dõi sát, nhận định kỹ lưỡng, nhất là tình hình mưa. Trên biển, cần thông báo, hướng dẫn để ngư dân vào bờ; kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản.
Đối với khu vực đất liền, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý hai nhóm vấn đề lớn cần tập trung là lũ, sạt lở đất ở sườn Tây và đề phòng sự cố hồ chứa nhỏ, hồ xung yếu xuống cấp. “Tinh thần ứng phó bão số 10 là khẩn trương, đồng bộ theo phương châm 4 tại chỗ. Điều này đã phát huy hiệu quả rất tốt thời gian qua nên cần tiếp tục được phát huy…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.