Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Chỉ có hơn 5.000 trẻ là con công nhân được hưởng hỗ trợ của HĐND TP

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cả TP chỉ có 6.151 trẻ là con công nhân, và chỉ có 5.088 trẻ được hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết 27 là không ổn. Sở GD&ĐT nhìn nhận thế nào về thống kê này?”, là câu hỏi của Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh tại buổi giám sát.

Ngày 29/3, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (VHXH) HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát đối với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 (Nghị quyết 27) của HĐND TP Hồ Chí Minh về “Chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại TP”.   

Nghị quyết 27 của HĐND TP Hồ Chí Minh áp dụng từ tháng 1/2022, nhưng đến nay mới chỉ có 5.088 trẻ là con công nhân được hưởng chính sách.
Nghị quyết 27 của HĐND TP Hồ Chí Minh áp dụng từ tháng 1/2022, nhưng đến nay mới chỉ có 5.088 trẻ là con công nhân được hưởng chính sách.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 27. Theo đó, về chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập (GDMNĐL) tại địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN&KCX). Đến nay, toàn TP có 84 cơ sở GDMNĐL nộp hồ sơ xin hỗ trợ, chỉ có 57 cơ sở được trợ cấp 1.314.995.000 đồng. Vẫn còn 27 cơ sở GDMNĐL chưa được hỗ trợ, vì các cơ sở này không đủ 30% số trẻ theo học là con của công nhân nên không đủ điều kiện được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GT&ĐT báo cáo với Đoàn giám sát HĐND TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GT&ĐT báo cáo với Đoàn giám sát HĐND TP Hồ Chí Minh.

Về chính sách trợ cấp trẻ mầm non là con công nhân làm việc trong các KCN&KCX tại TP, đến nay chỉ có 6.151 trẻ được cha mẹ lập hồ sơ xin hỗ trợ, và mới có 5.088 trẻ được hưởng trợ cấp số tiền 3.824.960.000 đồng. Số 1.063 trẻ còn lại chưa được nhận trợ cấp theo Nghị quyết 27 vì chưa hoàn tất hồ sơ. Đối với chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ở các cơ sở GDMNĐL tại địa bàn có KCN&KCX, có 508 giáo viên nộp hồ sơ xin hỗ trợ. Đến nay chỉ có 212 người được hưởng chính sách với số tiền 870,4 triệu đồng. Số 296 giáo viên còn lại không được hỗ trợ vì nhóm, lớp phụ trách không đủ 30% trẻ theo học là con công nhân đang làm việc tại các KCN&KCX ở TP.

Nhìn nhận về con số quá ít được thụ hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 27, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng có một số khó khăn. Nhiều quận, huyện có KCN&KCX nhưng không có trường hay nhóm, lớp GDMNĐL; một số nhóm, lớp lân cận KCN&KCX nhưng số lượng con công nhân không nhiều. Số giáo viên được hưởng hỗ trợ chưa nhiều do trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Số trẻ được hưởng trợ cấp chưa nhiều do chưa hoàn tất hồ sơ để xét duyệt; một số trẻ có cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ đang làm việc tại KCN&KCX ở các tỉnh, TP khác nên không được hưởng chính sách.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tại buổi giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tại buổi giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trong quá trình thanh toán, chuyển khoản đến từng phụ huynh có con học tại cơ sở GDMNĐL trong KCN&KCX gặp khó khăn vì số tài khoản phụ huynh cung cấp sai tên cha hoặc mẹ, sai số tài khoản, sai tên ngân hàng…

Trước lý giải của Sở GD&ĐT, ông Cao Thanh Bình nêu thắc mắc: Nghị quyết 27 áp dụng từ tháng 1/2022, nhưng đến nay cả TP chỉ có 6.151 trẻ là con công nhân nằm trong diện và chỉ có 5.088 trẻ được hỗ trợ là không ổn. Sở GD&ĐT nhìn nhận thế nào về thống kê này?

Báo cáo của Sở GD&ĐT cho rằng công tác phối hợp thực hiện tốt, nhưng khi Ban VHXH đi giám sát thấy vẫn có những địa phương chậm triển khai, hay nói đúng hơn chưa quan tâm thực hiện nghị quyết dẫn đến hiệu quả không cao.

“Nghị quyết áp dụng từ tháng 1/2022, nhưng có những địa phương chỉ mới triển khai trong cuộc họp giao ban thường kỳ. Khi trả lời Đoàn giám sát của HĐND TP, thì cho rằng có triển khai, nhưng khi hỏi đến dự toán lại không có. Không có dự toán thì làm sao nói đã triển khai thực hiện nghị quyết”, ông Cao Thanh Bình cho biết.

Cũng theo ông Bình, nếu cho rằng tài khoản của phụ huynh học sinh bị sai lệch thì số này không nhiều. Do đó, Sở GD&ĐT nên liên hệ ngân hàng để chỉnh sửa, vì có nhiều công nhân không biết sử dụng tài khoản hoặc mượn tài khoản của người khác.

Từ ý kiến của ông Cao Thanh Bình, đại diện Sở GD&ĐT kiến nghị giảm tỉ lệ số con công nhân theo học tại cơ sở GDMNĐL từ 30% xuống 20%. Đồng thời thêm đối tượng con công nhân sống nơi khác nhưng làm việc trong KCN&KCX, hoặc nhà tỉnh khác nhưng làm việc ở KCN&KCX tại TP vẫn được hưởng.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình cho biết nhiều địa phương không quan tâm việc thực hiện Nhị quyết 27.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình cho biết nhiều địa phương không quan tâm việc thực hiện Nhị quyết 27.

Về thắc mắc của một số đại biểu là vì sao mức hỗ trợ tại TP Hồ Chí Minh chỉ 160.000 đồng/trẻ, trong khi 1 số tỉnh lân cận có mức hỗ trợ 180.000-200.000 đồng/trẻ? Giáo viên ở tỉnh lân cận được hỗ trợ từ 1-1,2 triệu đồng, nhưng ở TP chỉ từ 600.000-800.000 đồng/người? Mức hỗ trợ hiện nay của TP còn phù hợp không?

Đại diện Sở GD&ĐT cho rằng khi xây dựng chính sách thì dịch Covid-19 vừa dứt, lúc đó sở đã không muốn đưa ra mức hỗ trợ thấp nhất là 160.000 đồng/tháng/trẻ. Tuy nhiên, thời điểm xây dựng chính sách, do sợ không được thông qua nên đưa xuống mức 160.000 đồng/trẻ. Về dữ liệu cơ sở GDMNĐL, một số quận, huyện đến nay vẫn chưa lấy được như quận Tân Bình, Tân Phú. Đối với chính sách hỗ trợ trẻ mầm non ở các quận 4, 5, 10, 11 và huyện Cần Giờ đến nay Sở GD&ĐT vẫn chưa thấy danh sách phụ huynh làm việc tại các KCN&KCX. Do đó, Sở GD&ĐT kiến nghị việc lấy dữ liệu chính xác nhất do UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức hoặc Liên đoàn Lao động thực hiện. Khi lấy được số liệu, thì con số thụ hưởng chính sách của Nghị quyết 27 mới tăng nhiều.

Tại buổi giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Nga - Ủy viên chuyên trách Ban VHXH HĐND TP Hồ Chí Minh đề nghị nên hạ tỉ lệ 30% trẻ học tại cơ sở GDMNĐL để có thêm nhiều giáo viên được thụ hưởng. “Qua giám sát chúng tôi thấy có nhiều trường hợp cũng là con công nhân lao động nhưng học ở cơ sở GDMNĐL nằm ngoài KCX&KCN lại không được hỗ trợ. Do đó, nếu đã là con công nhân lao động thì nên cho đối tượng này thụ hưởng chính sách”, đại biểu Nguyễn Thị Nga nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga đề nghị thêm đối tượng con công nhân học ở cơ sở GDMNĐL nằm ngoài KCX&KCN tại TP được thụ hưởng Nghị quyết 27.
Đại biểu Nguyễn Thị Nga đề nghị thêm đối tượng con công nhân học ở cơ sở GDMNĐL nằm ngoài KCX&KCN tại TP được thụ hưởng Nghị quyết 27.

Về vấn đề có sửa đổi Nghị quyết 27 được không, đại diện Sở Tư pháp cho rằng hiện nay nghị quyết ghi rất rõ thì cứ thực hiện theo. Nếu cần cũng có thể sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để thay thế bằng nghị quyết khác. Sau khi các cơ quan chuyên ngành có đề xuất, kiến nghị, Sở Tư pháp sẽ có ý kiến cụ thể.

Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban VHXH HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình cho rằng, Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan cần tuyên truyền sâu rộng hơn, làm sao để phụ huynh biết được chính sách tốt đẹp này. Sở GD&ĐT cần tiếp tục phối hợp các KCN&KCX, Liên đoàn Lao động để làm sao có danh sách thống nhất giữa các bên. Ngay cả trường hợp trẻ được thụ hưởng, nhưng cha mẹ không làm hồ sơ hoặc đơn vị không làm hồ sơ thì Sở GD&ĐT cũng nên nhắc nhở cơ sở để chính sách được thực hiện tốt hơn.

Buổi giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh tại Sở GD&ĐT.

“Sở GD&ĐT cần rà soát những kiến nghị của cơ sở GDMNĐL, của giáo viên, cha mẹ các trẻ. Nghiên cứu cách thực hiện của các tỉnh xung quanh để từ đó kiến nghị UBND TP có tờ trình HĐND TP nếu cần điều chỉnh Nghị quyết 27. Ví như có cần mở rộng đối tượng thụ hưởng hay không? Mở rộng theo đặc thù TP ra sao? Mức hỗ trợ đối với mặt bằng chi tiêu của người dân TP thế nào so với các tỉnh? Một số nội dung khi thực hiện tại TP thấy bất cập so với Nghị định 105 của Chính phủ, như ở TP ngoài các KCN&KCX còn có khu công nghệ cao. Do đó Sở GD&ĐT cũng cần kiến nghị Bộ GD&ĐT là con của công nhân làm tại khu công nghệ cao có được hỗ trợ không?

Về tiêu chuẩn phải đạt tỉ lệ 30% số trẻ sẽ khó thực hiện, do đó cân nhắc giảm 20% để nhiều cơ sở GDMNĐL được thụ hưởng. Trong quá trình thực hiện, Sở GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính nhằm tránh trục lợi chính sách. Sở GD&ĐT cũng cần rà soát các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của TP Hồ Chí Minh đối với bậc mầm non nói riêng và các bậc học trong thời gian qua và đánh giá lại hiệu quả của các chính sách như thế nào”, ông Cao Thanh Bình kết luận.