Chi cục TCĐLCL Hà Nội thanh, kiểm tra chất lượng, sản phẩm hàng hóa

Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mối lo ngại hàng đầu đối với người tiêu dùng là tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Năm 2022, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội đã phối hợp thực hiện hoạt động thanh, kiểm tra tại 188 tổ chức, doanh nghiệp, tăng 77% so với năm trước.

Chị Nguyễn Thị Ngân Hà, một khách hàng thường xuyên mua sắm các loại sản phẩm đồ khô và đồ điện gia dụng, luôn gặp khó khăn trong việc xác định tính xác thực thông tin về chất lượng của các sản phẩm hàng hóa. Theo chị, việc mua sắm chỉ căn cứ dựa trên thông tin được nhà sản xuất công bố trên bao bì sản phẩm, không có phương pháp nào để xác định thông tin đó có chính xác hay không. “Một người tiêu dùng bình thường như mình thì rất khó để xác định những thông tin về khối lượng và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa. Khi mua hàng, không mấy ai sẽ cân đo lại khối lượng hàng hóa đó. Còn với những hàng hóa đồ điện gia dụng thì mình không có cách nào để kiểm tra thông số kỹ thuật của hàng hóa đúng hay sai”, chị Hà cho biết.

Chị Nguyễn Thị Ngân Hà gặp khó khăn trong việc xác định tính chính xác của định lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Chị Nguyễn Thị Ngân Hà gặp khó khăn trong việc xác định tính chính xác của định lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Đây cũng là khó khăn chung của người tiêu dùng khi mua sắm các loại hàng hóa trên thị trường.

Trước tình hình đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội, là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đã tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra sản phẩm hàng hóa trong sản xuất và lưu thông tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Trong buổi kiểm tra về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa tại Công ty Cổ phần phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP), các chuyên viên của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội tiến hành kiểm tra 2 nội dung: kiểm hồ sơ liên quan đến lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng và kiểm tra nhà xưởng sản xuất, các phương tiện đo tại nhà xưởng. Đối với mặt hàng dầu nhờn, là loại hàng hóa thuộc nhóm 2, là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường, phải đảm bảo các về quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Nhà nước. Các chuyên viên phải tiến hành lấy mẫu sản phẩm đưa về trung tâm phân tích, để kiểm tra tính chính xác về các chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm. Trong trường hợp nếu các thông số kỹ thuật không đúng như thông tin ghi trên bao bì, nhãn mác, tài liệu kèm theo doanh nghiệp sẽ bị xử lý, xử phạt, sản phẩm sẽ bị thu hồi và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Ông Cao Việt Hùng, trưởng đoàn kiểm tra, cho biết: Kiểm tra nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng là một trong những nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hóa. Trong đó thì có các kế hoạch kiểm tra liên quan đến các cái đơn vị sản xuất trên địa bàn thành phố, và các cái đơn vị kinh doanh các mặt hàng thuộc cái đối tượng phải kiểm tra, lưu thông trên thị trường”.

Chuyên viên Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội kiểm tra nhà xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần phát triển Phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP.
Chuyên viên Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội kiểm tra nhà xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần phát triển Phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP.

Bên cạnh việc lấy mẫu, nhà sản xuất còn phải cung cấp cho đoàn kiểm tra các Giấy tờ, hồ sơ liên quan đến sản phẩm của đơn vị theo quy định như: Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật đo lường và các quy định của nhà nước trong việc ghi nhãn, hàng hóa, mã số, mã vạch. Từ hồ sơ công bố doanh nghiệp cung cấp, đoàn kiểm tra tiến hành đối chiếu với những thông số kỹ thuật quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và trong Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo nhiều doanh nghiệp được kiểm tra, chính doanh nghiệp cũng được lợi từ việc kiểm tra này. Qua đó, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, chính xác được những quy định của nhà nước liên quan đến sản xuất do chính đơn vị mình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo sức khỏe của người lao động. “Không chỉ rà soát lại chất lượng của sản phẩm hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua các buổi kiểm tra của Chi cục, bản thân các doanh nghiệp như chúng tôi cũng được tuyên truyền rất nhiều về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng”, ông Nguyễn Cảnh Tuyên, đại diện Công ty Cổ phần phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP), cho biết.

 Ông Cao Việt Hùng và đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra hồ sơ giấy tờ cùng doanh nghiệp
 Ông Cao Việt Hùng và đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra hồ sơ giấy tờ cùng doanh nghiệp

Năm 2021, Chi cục đã thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra đối với 106 doanh nghiệp, phát hiện 2 doanh nghiệp vi phạm hành chính về đo lường, với tổng mức phạt hành chính là 6 triệu đồng.

Trong năm 2022, Chi cục chủ trì và phối hợp thực hiện hoạt động thanh, kiểm tra tại 188 cơ sở, doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra, tăng 77% so với năm trước.

Trong năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội tiếp tục xây dựng kế hoạch tăng cường triển khai công tác khảo sát, thanh tra, kiểm tra nhà nước, đặc biệt là công tác kiểm tra các sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ như vàng, thiết bị điện và điện tử, khí dầu mỏ dạng hóa lỏng… Hoạt động kiểm tra Nhà nước của Chi cục còn tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến các đơn vị sản xuất và phân phối hàng hóa. Qua đó, hoạt động thanh, kiểm tra nhà nước góp phần quan trọng nâng cao ý thức của các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần