Chi đầu tư được quy định thế nào trong Dự thảo Ngân sách Nhà nước 2023?

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Báo cáo Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023 do Chính phủ trình Quốc hội (Dự thảo) thiếu thông tin chi tiết về chi đầu tư, chưa có danh mục dự toán chi đầu tư của ngân sách trung ương.

Đó là nghiên cứu của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) được thông tin tại tọa đàm “Dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 - Triển vọng và thách thức” tổ chức chiều 10/11.

Nhiều điểm tích cực

Trong nỗ lực cải cách kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt nhiều mục tiêu về nâng cao hiệu quả sử dụng và minh bạch ngân sách. Theo đó, ngày 25/10/2022, Báo cáo Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023 do Chính phủ trình Quốc hội (Dự thảo) đã được Bộ Tài chính công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.

Đánh giá về điểm tích cực, nghiên cứu chỉ ra, Dự thảo có đánh giá và thuyết minh định hướng cơ bản về thay đổi chi tiêu NSNN, có thuyết minh về thay đổi các khoản thu, chi chính. Dự thảo cũng đã có đánh giá và so sánh với ước thực hiện 2022 về thu và chi cân đối NSNN.

Các diễn giả chia sẻ thông tin. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả chia sẻ thông tin. Ảnh: Khắc Kiên

Phát biểu tại tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), một thành viên của BTAP chia sẻ, Dự thảo phản ánh trách nhiệm giải trình chưa cao. Một số chỉ tiêu quan trọng như thu ngân sách cần được dự báo và đặt mục tiêu sát với thực tiễn của nền kinh tế hiện nay. Cần có sự đánh giá thận trọng hơn về các rủi ro vĩ mô đã hiện hữu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thu - chi ngân sách 2023 và sau đó, đồng thời dự kiến những giải pháp tình thế khi những rủi ro đó xảy ra.

Về dự toán chi cân đối NSNN, bản dự thảo đã cho thấy xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng phù hợp hơn (giảm tỷ trọng chi thường xuyên). Chi đầu tư phát triển chiếm 35% tổng chi NSNN, tăng 2.4 điểm phần trăm và tăng 38,1% về giá trị so với dự toán năm 2022; chi thường xuyên chiếm 56,5% tổng chi NSNN, tăng 5,4% so với dự toán năm 2022.

Tuy nhiên, BTAP nhận định: “Dự thảo thiếu thông tin chi tiết về chi đầu tư, chưa có danh mục dự toán chi đầu tư của ngân sách trung ương. Giải ngân đầu tư công thường xuyên chậm trễ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động của hệ thống doanh nghiệp. Do vậy, cần có những thảo luận chi tiết hơn về chi đầu tư công trong Dự toán NSNN 2023 cả ở cấp trung ương và tổng thể ở địa phương”.

BTAP cũng cho rằng, Dự thảo tiếp tục thiếu thông tin cho phép đánh giá chi NSNN có đủ đảm bảo 20% cho giáo dục, 2% cho khoa học công nghệ, 1% cho môi trường như yêu cầu của quy định hiện hành hay không.

Dự báo quá thận trọng

Bàn về các vấn đề liên quan đến dự toán thu NSNN năm 2023 và kế hoạch thu chi ngân sách giai đoạn 2023 - 2025, đại diện BTAP cho rằng, dự báo số tăng thu quá thận trọng trong bối cảnh vĩ mô hiện nay (chỉ tăng 3,25% so với ước thực hiện 2022, trong khi lạm phát của năm 2022 và 2023 đều dự kiến cao hơn 5%).

Tổng thu NSNN giai đoạn 2023 - 2025 chỉ tăng 10,3% so với thu NSNN 3 năm 2020 - 2022, dự kiến tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, tỷ lệ này thấp hơn nhiều trung bình giai đoạn 2016 - 2021 (trung bình 24,6% tính theo GDP cũ và 18,5% nếu tính theo GDP điều chỉnh).

Tỷ lệ thu ngân sách trên tổng GDP giảm có thể là một tín hiệu đáng mừng cho sự giảm nhẹ gánh nặng thuế đối với người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu chi ngân sách vẫn cao thì công tác cân đối ngân sách sẽ gặp khó khăn.

Thực tế gánh nặng thuế - phí đối với doanh nghiệp và người dân không có khuynh hướng giảm (chưa kể gánh nặng không chính thức), nên các chỉ tiêu cần được xây dựng sát với thực tiễn và thực hành hiện nay nhằm tránh các rủi rõ vì dự báo sai.

Ngoài ra, hiện nay chưa có báo cáo đề cập đến các phương án dự phòng trong trường hợp nguồn thu NSNN có biến động mạnh. Chưa có kịch bản khác nhau cho kế hoạch tài chính NSNN 3 năm hoặc trung hạn.

Cơ cấu chi NSNN có sự thay đổi rất lớn với việc tăng mạnh chi đầu tư (dự toán chi đầu tư NSNN chiếm 35% tổng chi cân đối NSNN 2023 tăng 2.4 điểm phần trăm, tăng 38% về số tuyệt đối so với dự toán năm 2022) nhưng giải pháp cho việc giải ngân là chưa rõ. Nếu tiếp tục giải ngân kém như những năm vừa qua, thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tính thanh khoản của thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Đó là chưa kể đến tính chính xác của dự toán NSNN còn thấp, thể hiện ở chênh lệch giữa dự toán NSNN được Quốc hội phê duyệt với Quyết toán NSNN sau đó còn lớn.

Theo “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 Chính phủ trình Quốc hội”, thực hiện dự toán thu ngân sách 9 tháng năm 2022 đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ năm 2021. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng thu ngân sách năm 2022 ước vượt khá lớn so với dự toán thể hiện công tác dự báo còn bất cập, chưa bám  sát tình hình thực tế.

Tương tự, ở cấp trung ương, lập dự toán thu ngân sách địa phương cũng  có mức độ chênh lệch lớn giữa dự toán và quyết toán. Báo cáo Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2021, có 53/63 tỉnh có mức độ chênh lệch dự toán thu ngân sách trên 15%. 

Việc xây dựng dự toán chưa sát với tình hình thực tế như vậy sẽ có ảnh hưởng như thế nào  tới thực hiện dự toán chi ngân sách và chính sách tài khoá là nội dung nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, các cơ quan truyền thông và chuyên gia.