Chỉ số hài lòng về cuộc sống của người dân nông thôn giảm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ người dân nông thôn hài lòng với cuộc sống giảm, trong khi số người cảm thấy...

Kinhtedothi - Tỷ lệ người dân nông thôn hài lòng với cuộc sống giảm, trong khi số người cảm thấy không hạnh phúc đã tăng đáng kể… là thông tin đáng chú ý trong Báo cáo "Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2014" được công bố ngày 26/8.

Mong manh thoát nghèo

Theo Báo cáo, phúc lợi bình quân ở khu vực nông thôn tiếp tục được cải thiện nhờ sự tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, mức thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo có sự chênh lệch giữa các vùng miền, địa phương. So sánh giữa các tỉnh, Long An và Hà Tây (cũ) là 2 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, lần lượt là 4,8% và 7,8%. Trong khi đó, Lào Cai và Điện Biên là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, lên tới trên 30%. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa các hoạt động sinh kế đang diễn ra mạnh mẽ trong nông thôn, tuy nhiên nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của phần lớn các gia đình nông thôn.
Khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.        Ảnh: Hồng Đào
Khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hồng Đào
Mặc dù thu nhập và hộ nghèo ở nông thôn đã được cải thiện, nhưng trên thực tế, mức sống vẫn còn thấp.
Báo cáo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, IPSARD và trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) phối hợp thực hiện, dựa trên số liệu điều tra hơn 3.600 hộ gia đình ở 12 tỉnh, trong đó có khu vực Hà Tây (cũ).
Nguyên nhân là do tỷ lệ hộ tái nghèo và có nguy cơ rơi vào nhóm nghèo ở một số địa phương vẫn cao. Lý giải về vấn đề này, Ths Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) cho rằng, tình trạng các hộ dân nông thôn thoát nghèo không bền vững là do việc phát triển kinh tế kém ổn định, thu nhập bấp bênh. Thứ hai, nông dân dễ gặp rủi ro, ngoài vấn đề thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, còn bị tác động bởi các cú sốc bất ngờ ngoài thị trường. "Sinh kế của nông dân vừa đủ thoát nghèo, hay nói cách khác là ranh giới giữa nghèo và không nghèo rất mong manh nên nhiều hộ dễ rơi vào tái nghèo" - ông Khải cho biết.

Điều đáng nói, trong khi thu nhập chính của người dân nông thôn đến từ sản xuất nông nghiệp thì hoạt động này lại gặp nhiều rào cản do đất đai manh mún, khó tổ chức sản xuất hàng hóa, bền vững. Bên cạnh đó, hiện nay, người nông dân chưa tiếp cận được nhiều với DN, nhất là các DN chế biến nên sản phẩm chưa tham gia được chuỗi giá trị, chưa tạo giá trị gia tăng.

Tâm lý không ổn định, bất an

Một trong những chỉ số nhận được sự quan tâm lớn nhất của Báo cáo kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn chính là mức độ hài lòng về cuộc sống, hay còn gọi là chỉ số hạnh phúc. Trong kết quả điều tra lần này, chỉ số hài lòng về cuộc sống của người dân nông thôn giảm sút so với năm 2012. Cụ thể, số người được hỏi cảm thấy hạnh phúc chỉ là 43,9%, giảm 5,2% so với năm 2012. Trong khi đó, số người cảm thấy không hạnh phúc chiếm 56,1%, tăng 6% so với năm 2012. So sánh theo tỉnh, trong năm 2014, số người cảm thấy hạnh phúc ở Lào Cai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông tăng, tuy nhiên kết quả ở một số tỉnh như Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Lâm Đồng... cho thấy tỷ lệ các hộ gia đình không cảm thấy hạnh phúc cao hơn.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cho rằng, để đạt được chỉ số hạnh phúc ở nông thôn Việt Nam, quan trọng nhất là thu nhập. Thời gian qua, thu nhập của hộ dân nông thôn có xu hướng tăng nhẹ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhẹ nhưng chỉ số hạnh phúc lại có chiều giảm. Nguyên nhân là do những bất ổn về cuộc sống tăng lên như thị trường, giá cả, thiên tai, kết hợp với cơ hội việc làm, sinh kế của người dân khó khăn hơn khi mà việc khai thác tài nguyên ngày càng bị hạn chế. Những điều này đã tạo ra môi trường nông thôn có sự bất ổn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Khải cũng nhận định, chỉ số hài lòng với cuộc sống của người dân giảm đi là do trong xã hội nông thôn đang có nhiều thay đổi, tạo tâm lý không ổn định, bất an. Ngoài ra, chỉ số này còn phụ thuộc vào các yếu tố sức khỏe, con cái, khả năng tiếp cận dịch vụ công, nhất là các dịch vụ y tế, giáo dục. Ở nhiều nơi, việc tiếp cận các dịch vụ công của người dân còn khó khăn. Để cải thiện chỉ số này, Nhà nước cần có chính sách phát triển sinh kế cho người dân nông thôn trên cả 3 trụ cột là nông nghiệp, phi nông nghiệp và làm công ăn lương. Bên cạnh đó, cần có các chính sách an sinh xã hội, cải thiện dịch vụ xã hội công để các hộ dân dễ tiếp cận hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần