Trong 8 nhóm lĩnh vực được đánh giá, Hà Nội có 5 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2012, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính.
Bộ phận một cửa phường Khương Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: Chiến Công
|
Đáng lưu ý, một số tiêu chí thành phần của Hà Nội đạt điểm tuyệt đối như tiêu chí sáng kiến trong triển khai công tác CCHC, đó là việc UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc thực hiện "Năm kỷ cương hành chính - 2013"; triển khai Đề án Thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết dịch vụ công tại một số đơn vị; Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp; Đổi mới có hiệu quả công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức của TP Hà Nội... được ghi nhận và đánh giá cao.
Riêng tiêu chí thành phần về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, giá trị trung bình của cả nước năm 2013 giảm 1,47% so với năm 2012, nhưng Hà Nội cơ bản giữ vững, chỉ bị giảm 0,05 điểm điều tra xã hội học và đứng thứ 2/63 tỉnh, TP...
Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, dân số 7,2 triệu người và khoảng 1 triệu lao động thời vụ, khối lượng TTHC lớn nhất nước. Năm 2013, toàn TP tiếp nhận trên 4,7 triệu hồ sơ hành chính, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt trên 98%; 6 tháng đầu năm 2014, TP tiếp nhận trên 1,7 triệu hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đạt trên 94,6%.
Dù có bước tiến bộ, nhưng theo đánh giá, Hà Nội vẫn cần khắc phục những hạn chế như công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; công tác cải cách tổ chức bộ máy của TP; việc khắc phục, xử lý các vấn đề qua kiểm tra chưa đạt điểm tối đa...