Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân nhóm sản xuất, dịch vụ nhằm đánh giá sức khoẻ chung của cả nền kinh tế. PMI lấy ngưỡng 50 điểm, trong đó, lĩnh vực sản xuất được xác nhận có sự mở rộng nếu PMI trên 50 và ngược lại, thu hẹp nếu dưới 50.
Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhận xét lĩnh vực sản xuất Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu tốt với Covid-19. Động lực tăng trưởng tổng thể đã cải thiện nhờ nhu cầu khách hàng đã mạnh lên. Số đơn đặt hàng mới tăng mạnh và tốc độ tăng đã nhanh hơn đạt mức cao của 10 tháng.
Nhu cầu quốc tế cũng cải thiện trong tháng 2 khiến hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng đáng kể. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm sản lượng sản xuất tăng tháng thứ 5 liên tiếp. Giống như số lượng đơn đặt hàng mới, tốc độ tăng sản lượng cũng là mức đáng kể nhất kể từ tháng 4 năm 2021.
Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn cung tiếp tục cản trở tăng trưởng sản lượng. Mặc dù trong tháng 2 các nhà sản xuất đã tăng việc làm tháng thứ ba liên tiếp, tốc độ tăng việc làm vẫn còn khiêm tốn, khi các báo cáo vẫn cho biết công nhân còn chưa trở lại làm việc do đại dịch.
Theo đánh giá, các công ty vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục số lượng công nhân đủ lớn trở lại nhà máy để giải quyết lượng công việc tồn đọng, trong khi nguyên vật liệu vẫn khan hiếm. Do đó, các nhà sản xuất hy vọng những hạn chế này sẽ nhẹ bớt trong những tháng tới và từ đó sản lượng sẽ được giải phóng khỏi sự kìm hãm".
Xét trong khu vực châu Á, bên cạnh Việt Nam, PMI Thái Lan đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 2, trong khi Philippines phục hồi lên mức cao nhất trong ba năm, theo IHS Markit. PMI của Malaysia cũng được cải thiện.