Có ai đó, vào dịp sinh nhật con trai tôi lên ba, đã chúc con tôi lớn lên đẹp trai như hot boy và khỏe mạnh như siêu nhân. Ôi, lời chúc đáng yêu sẽ chẳng bao giờ có thể thành hiện thực. Con cũng không thể mau lớn, đi làm nuôi mẹ như con thường thỏ thẻ nữa rồi. Một mình thanh toán viện phí, làm các thủ tục, nhìn khắp lượt lần hành lang của khoa Huyết học, nơi quen thuộc đến rợn người của mẹ con tôi, rồi bước đi.
Một mình, tôi ẵm con xuống cổng, vẫy chiếc taxi, túi đồ chơi của con khoác bên vai. Tôi bồng con trên tay, nhẹ bâng, lòng trống rỗng. Tôi đặt con ở tư thế áp mặt vào ngực, như thể đang trở về sau một đợt điều trị bình thường. Chỉ khác ở chỗ, lần này con không thể quàng hai cánh tay khẳng khiu lên cổ tôi nữa. Tôi vỗ về nhè nhẹ lên lưng con, như những lần con thèm được mẹ gãi lưng. Tôi dịu dàng nói chuyện với con, rằng đang đi ngang qua Khu thế giới trẻ em đấy con ạ. Hôm trước chơi ở đó thật vui, phải không con? Nhà trẻ của con này con trai, từ nay con sẽ chẳng còn dịp nào chờ được mẹ đến đón, háo hức hoặc nức nở mừng rỡ nữa rồi… Con có muốn chào cô Thảo, cô Dung, bạn Mía, bạn Bin không hở con trai…
Ảnh minh họa.
|
Taxi ngang qua trước siêu thị, gần tới nhà rồi. Nước mắt tôi chợt rơi xuống, nghẹn ngào. Đã từng có một buổi tối trời mưa xấp xải, con tôi ốm đột ngột, tôi đặt con ngồi ở đằng trước, cột chặt bằng sợi dây đai, mẹ con bức bí ướt át trong chiếc áo mưa, đi vào trung tâm khám bệnh. Về tới chỗ này, một chiếc xe hơi màu xám bạc vụt ngang, cuốn theo tung tóe nước bẩn văng vào hai mẹ con. Tôi tức giận và buồn tủi nhìn theo, thấy chiếc xe ấy quen thuộc đến nao lòng. Chắc chỉ là giống nhau ở bề ngoài thôi, xe cộ đầy đường thế kia mà. Biết vậy, nhưng ngay lúc đó tôi làm sao không nghĩ đến, giờ này, có đứa trẻ khác ấm áp sạch sẽ trong một chiếc xe như vậy, đang được ba mẹ chở đi ăn tối…
***Đứa trẻ không cùng nhóm máu với tôi. Dù đã đoán biết như thế, nhưng khi bác sỹ thông báo, tôi vẫn không tránh được cái cảm giác tuyệt vọng.
- Bệnh này, cần phải kiên nhẫn. Truyền máu liên tục theo yêu cầu thì mới mong… Nên nhờ người thân, họ hàng thì khả năng tương thích máu sẽ cao hơn. Người ngoài khó phù hợp lắm.
- Vậy chứ bố nó đâu? Câu hỏi không thể tránh được đó, cuối cùng cũng đã được vị bác sĩ tận tâm thốt lên, sau nhiều lần chỉ thấy hai mẹ con loay hoay với nhau.
Tôi đành bấm bụng gọi cho anh Năm, người bà con duy nhất của phía con trai tôi, mà tôi biết, xa gần nhờ vả. Ngày tôi sửa nhà, anh Năm đã được ba của con tôi tìm cách đưa đến coi ngó dùm, nên tôi có quen biết. Thế nhưng xin máu không đơn giản như khi bạn xin một cái gì đó, thậm chí là xin tiền. Tại sao lại là anh Năm, mà không phải là ai khác? Tại sao em cho rằng máu của anh hợp với thằng bé? Thắc mắc đó của anh Năm, tôi đã dùng hết khả năng để mà lấp liếm, để anh không thể nào nhìn thấy mối liên hệ giữa anh và cậu con trai lên bốn của tôi.
Con trai tôi mắt to, lông mi rợp bóng, hai lúm đồng tiền xinh đẹp, khuôn mặt cương nghị đáng yêu vô ngần. Con tôi đẹp đẽ đến mức, đủ để các bà mẹ khác trầm trồ hỏi han ở phòng bệnh. Và tôi cúi mặt, tảng lờ để khỏi phải kể lể dông dài về gia cảnh đơn độc, về căn bệnh máu hiếm gặp, về những đợt vô máu theo kiểu "thay máu" khủng khiếp ấy. Căn bệnh mà lúc bác sĩ giải thích kèm với trấn an, tôi đã hoảng loạn gọi cho ba của con mình, nhận lại hồi chuông dài đến tuyệt vọng, kèm theo câu cằn nhằn rằng:
- Lần sau những chuyện vớ vẩn này cô đừng làm phiền tôi nữa. Chẳng phải chúng ta đã thỏa thuận rồi sao?
Cái thỏa thuận được nhắc đến ấy, nghĩa là tôi tự làm tự chịu, tự yêu tự hiến tự nuôi con. Tôi không đòi hỏi, không ràng buộc, không bắt đền. Tôi không muốn làm mảy may sứt mẻ đến hạnh phúc của người. Dù những ngày dịu ngọt bên nhau, tôi mê đắm yêu người cũng một phần bởi những hứa hẹn lâu dài. Những mong có nhau bên đời nâng đỡ, nên ngày người rũ bỏ bước đi, nỗi chới với đó tôi đành gởi gắm vào từng câu hát ru con một mình.
Căn hộ nhỏ bé mẹ con tôi đang ở và tháng tháng đóng "hụi chết" cho ngân hàng có ban công phía sau nhìn xuống đường. Đêm đêm, khi con trai đã ngủ say, tôi thường mở máy tính, tưởng tượng những câu chuyện kết thúc có hậu, những tình yêu đẹp đẽ để kiếm chút tiền nhuận bút còm cõi. Đồng tiền vạn năng, có thể cứu con tôi. Có thể giữ con tôi lại bên người đàn bà khốn khổ là mẹ nó. Có thể làm nhiều thứ lắm chứ. Tôi thường để con nằm bên cạnh, gõ phím thật nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của con. Tôi muốn được nhìn thấy con hằng giây phút một. Tôi sợ cảm giác con không có ở bên mình. Tôi sợ nhiều thứ mông lung mà một người đàn bà từng trải qua sóng gió như mình luôn thấy bất an. Từ vị trí đó, trong đêm tối tôi thường ngóng xuống đường trong vô vọng. Vào lần cuối cùng trước khi bỏ đi hẳn, ba của con tôi đã đậu xe ở hàng cây đối diện, trò chuyện cùng tôi qua điện thoại. Rằng một ngày nào đó, anh sẽ chủ động tìm tôi, khi có thể. Xin tôi hãy để anh đi. Anh không thể cứ quanh quẩn thế này được. Tôi hãy chừa đường cho anh sống. Hãy hiểu cho anh. Tôi vẫn nói là yêu anh hơn cả bản thân mình kia mà. Vậy mà tại sao cứ bó buộc anh với những vụn vặt đàn bà kiểu này kia chứ, thì làm sao mà đời anh có thể khác được.
Và tôi, trong những giọt nước mắt tức tưởi tuyệt vọng của mình, đã dũng cảm hứa với anh rằng, sẽ biết điều mà đi chỗ khác chơi, sẽ để anh được vui lòng mãn nguyện. Tôi không tự ái hay giận dỗi gì, mà tôi vững tin rằng, rồi sẽ có ngày nào đó, anh quay lại tìm hai mẹ con tôi. Anh sẽ hiểu ra, trên cõi đời này, chẳng có ai yêu và hy sinh vì anh nhiều hơn tôi cả.
***
Tôi đón Phong ở sân bay, sau cuộc điện thoại nhờ vả có phần cầu khẩn của mình. Đó là người đàn ông với vẻ ngoài khắc khổ, gầy gò, và cái vóc dáng ấy làm tôi hoang mang, chẳng biết cơ thể đó có còn tồn tại dòng máu nào để cho con tôi hay không? Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì Phong yêu cầu, vì anh là cứu cánh duy nhất của con tôi lúc đó: Trong vô số người tình nguyện giúp đỡ, chỉ có máu anh là tương thích.
Không chỉ lần đó, mà nhiều lần sau nữa, Phong đều đến đúng hẹn khi tôi gọi. Phong không bao giờ cho tôi có cơ hội đưa anh một đồng tiền nào để cám ơn. Cũng không bao giờ nhận bất kỳ thứ hoa quả bánh trái gì. Ngược lại, những lần sau này, con trai tôi còn có quà từ chú Phong mang đến.
- Chị bao nhiêu tuổi rồi? Đó là câu hỏi mang tính riêng tư đầu tiên mà tôi nhận được từ người đàn ông nhiều lần vượt hành trình Nam Bắc để giúp con tôi mà không nhận bất kỳ sự trả công nào. Ngay cả tiền tàu xe đi lại.
- Tôi ba hai rồi.
Muốn nói thêm rằng, nhìn tôi tàn lắm hả, nhưng tôi không sao mở miệng được trước ánh nhìn xa xót của người đàn ông đối diện. Đó cũng là lần đầu tiên, chúng tôi ăn cùng nhau bữa cơm căn tin bệnh viện, nơi đứa trẻ con tôi đang vật vã nhận từng giọt máu để tồn tại. Cũng là lần đầu tiên, tôi nhận ra Phong không phải quá khó gần như cái vẻ bề ngoài vốn thế. Phong kể sơ tôi nghe về cuộc sống nơi miền Bắc, về công việc không dư dả nhưng cũng đủ ăn của mình. Điều quan trọng tôi cảm thấy Phong muốn nhắn gửi là, anh sống một mình, không có ai cả. Mẹ con tôi cũng chỉ có một mình, và Phong không đành lòng…
Căn bệnh về máu hiếm gặp đã cướp đi của mẹ con tôi mọi thứ. Những đêm tôi thức trông con ngày càng dày hơn. Tôi không dám ngủ, vì sợ một lúc nào đó, con trai cần mà tôi không biết. Tôi mơ hồ linh cảm được nỗi bất trắc... Tôi muốn ngắm nhìn con tôi ngủ. Điều quan trọng nhất mà tôi không dám thừa nhận, là tôi biết mình vẫn ngóng xuống đường trong vô vọng. Chờ một cuộc gọi, một dáng xe quen thuộc. Một hôm, trong giấc mơ mỏi mệt của tôi, Phong xuất hiện, gầy gò, khắc khổ, cùng câu nói bâng quơ ngày nào:
- Tôi có một căn hộ nhỏ ngoài ấy. Nếu hai mẹ con chị không chê…
Lúc đó đang là mùa đông, ngay ở thành phố phương Nam này cũng khó tìm được chút hơi nóng ấm áp. Từ ngày ba của con tôi bỏ đi, quay lại với cuộc sống riêng của họ, đây là lần đâu tiên tôi nhận được một lời đề nghị tử tế đến vậy. Tôi thấy mình run tay, nước mắt cứ muốn tràn ra. Không, đừng khóc. Mẹ con tôi nợ Phong nhiều lắm rồi. Anh hà cớ gì phải cưu mang thêm cho nặng gánh. Số phận bắt anh phải tháng tháng lặn lội mang cho con tôi chừng ấy giọt sống vẫn chưa đủ cực nhọc hay sao? Nên tôi trả lời anh, vô thưởng vô phạt và vô cùng tối nghĩa:
- Mùa đông ngoài đó chắc là lạnh lắm. Con tôi sợ lạnh.
Điều này thì tôi không nói dối. Càng ngày con tôi càng sợ lạnh. Những đêm con giật mình thức dậy kêu lạnh càng lúc càng nhiều. Miền Bắc xa lạ kia liệu có đủ hơi ấm để con tôi sống tiếp những năm tháng êm ả ngắn ngủi, tránh xa mọi muộn phiền quá khứ của mẹ nó? Tôi ngu ngốc hay hèn nhát? Không hẳn. Tôi mù quáng? Càng không. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, cuộc sống rồi sẽ xoay vần, và chỉ cần lòng tôi còn tồn tại một thứ tình yêu gần như là duy nhất dành cho ba của con tôi đó, thì mọi thứ vẫn ổn. Dù có thế nào, tôi vẫn tin vào tình yêu.
Tôi đặt con nằm ở vị trí yêu thích trông xuống ban công, ngóng xuống đường. Ba của con tôi có quyền được biết rằng, con tôi đã rời bỏ thế gian này mà đi, sau những ngày tháng đằng đặc chiến đấu với căn bệnh máu hiếm ngặt nghèo. Cả Phong nữa. Anh cũng có quyền được biết, những nỗ lực và cả tấm lòng anh dành cho mẹ con tôi đã đổ sông đổ biển rồi, con tôi không vượt qua được cái ách khốn khổ của số phận. Phong cũng có quyền biết rằng, ngay lúc này, tôi yếu đuối và buông xuôi đến mức nào. Nhưng tôi chợt cảm thấy mình chẳng còn muốn liên lạc với bất kỳ ai nữa cả.
Có cuộc gọi nhỡ của Phong, nhưng tôi im lặng, tắt điện thoại. Tôi không muốn anh phải đi cùng tôi trong một cái vòng tròn vô vọng làm gì. Nhẹ nhàng, tôi nằm xuống bên cạnh con, quàng vòng tay mình lên tấm thân đứa trẻ yêu thương đã bắt đầu lành lạnh.
Vì tự dưng tôi bỗng thèm một giấc ngủ thật dài.