Dự kiến cuối năm 2022, đạt 3,5/5 triệu khách quốc tế
Chiều 21/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về tình hình Covid-19 và một số mặt của đời sống.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên từ ngày 15/3 đến nay, khi Chính phủ cho phép mở cửa đón khách du lịch quốc tế, TP Hồ Chí Minh gặp những thuận lợi, khó khăn thế nào và dự báo của Sở Du lịch ra sao? Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý điều hành Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết từ ngày 15/3, khi Chính phủ cho chủ trương đón khách quốc tế, đêm 14/3, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã mời các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, lãnh đạo tỉnh/thành để bàn biện pháp mở cửa du lịch. Ngay từ đầu, TP Hồ Chí Minh xác định là trung tâm du lịch phía Nam, nên đã chủ động tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch thu hút khách quốc tế.
Từ ngày 15/3 cho đến nay, khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh theo thống kê đa phần là khách lẻ. Hiện các doanh nghiệp (DN) du lịch tại TP Hồ Chí Minh đang ráo riết chuẩn bị đón khách du lịch trong cuối tháng 3/2022 đến những ngày đầu tháng 4/2022, dự kiến chỉ khoảng vài nghìn khách đến.
“Thành phố Hồ Chí Minh có những thuận lợi như việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 (100% trên 2 mũi tiêm), là điểm đến được khách quốc tế truy cập nhiều, giá cả mua sắm tại thành phố tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn có hệ thống sông nước ở huyện Cần Giờ hoàn toàn khác sông nước ở các tỉnh sông nước miền Tây Nam Bộ. Do đó Sở Du lịch dự kiến có 3,5 triệu/5 triệu khách quốc tế sẽ đến thành phố từ nay đến cuối năm 2022”, ông Nguyễn Việt Anh nói.
Nhiều địa phương chưa bỏ xét nghiệm Covid-19 với khách du lịch
Cũng theo ông Nguyễn Việt Anh, ngoài thuận lợi nêu trên là những khó khăn như: Giữa các địa phương chưa có sự thống nhất về du lịch. Ví như thành phố đã bỏ việc xét nghiệm Covid-19 đối với khách du lịch nhưng một số tỉnh/thành vẫn buộc phải xét nghiệm; Việc mua bảo hiểm Covid-19 vẫn còn khó khăn; Dù đã miễn thị thực 13 nước (ký hợp tác đơn phương), nhưng vẫn còn khó khăn đối với những nước ký hợp tác song phương vì có qua phải có lại mới tạo thuận lợi cho du lịch.
Cũng theo đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đối với vấn đề kinh tế ban đêm của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh là những chợ đêm, phố ẩm thực tại một số quận, huyện. Tuy nhiên thời gian qua dù có mở cửa nhưng vẫn vắng khách, việc mua sắm chưa trở lại bình thường như trước. Nguyên nhân do khách du lịch nội địa và khách quốc tế trở lại chưa nhiều. Một số tỉnh/thành có số ca Covid-19 còn tăng cao, thời điểm hiện tại chưa rơi vào các dịp nghỉ lễ, học sinh vẫn còn đi học…, nên các khu chợ đêm, phố ẩm thực chưa thể trở lại như trước khi có dịch Covid-19.
“Để thu hút, Sở Du lịch đã lấy ý kiến của các sở, ban ngành và đưa ra 3 giải pháp trọng tâm, như: Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; Nâng cao chất lượng dịch vụ; Vận động DN chung tay triển khai chương trình khuyến mãi, quà lưu niệm cho khách. Do vậy ngành du lịch TP Hồ Chí Minh kỳ vọng 2 - 3 tháng nữa sẽ đông khách trở lại”, đại diện Sở Du lịch cho biết.
Cũng theo đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, khi phục hồi kinh tế, Sở Du lịch cũng đã lấy ý kiến của các quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong đó có đề án phục vụ kinh tế về đêm, như: Phố Đông y, phố ẩm thực ở quận 5; Phố ẩm thực trên đường Hà Tôn Quyền, khu vui chơi dọc tuyến đường kênh Tân Hóa ở quận 11; Các phố ẩm thực tại quận 7 (sẽ lập ra 3 - 4 điểm); Chợ đêm ở huyện Cần Giờ. Trong tháng này, Sở Du lịch sẽ lấy ý kiến xây dựng mô hình Du lịch sinh thái ở ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.