Nhiều bất cập liên quan đến giá các mặt hàng thiết yếu
Thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi), đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi nhằm nhấn mạnh đến vai trò, phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh. Sửa đổi nhằm điều chỉnh nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tế chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng trong luật hiện hành; đảm bảo tính đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá.
Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát, làm rõ một số khái niệm chỉ mang tính định tính mà không có định lượng, rất dễ bị lạm dụng trong quá trình thực hiện và dễ áp dụng sai. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong cùng một luật (giữa các điều khoản) và đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí quan tâm đến giá hàng hóa, dịch vụ y tế được quy định rõ trong Luật Giá (sửa đổi) lần này. Đại biểu cho rằng, lâu nay giá hàng hóa, dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ; việc phân cấp, phân công chưa rõ ràng, đặc biệt là đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ hoạt động.
Trong khi đó, các cơ quan thẩm định và bảo hiểm y tế không có đủ kiến thức chuyên sâu về y tế nên vẫn còn những khác biệt trong việc định giá các hàng hóa, dịch vụ y tế. Vì thế, cần sớm ban hành Luật Giá (sửa đổi) để giải quyết những bất cập, hạn chế trong công tác khám, chữa bệnh hiện nay.
Cho ý kiến về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh việc đưa mặt hàng kiểm soát do Nhà nước định giá là cần thiết nhằm bình ổn giá, nhưng điều quan trọng hơn là phải đảm bảo nguồn cung ứng, không để xảy ra đứt gãy. Đại biểu cho rằng trong quá trình quản lý, điều hành phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép vừa ổn định giá và không đứt gãy nguồn cung, trong đó đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa là ưu tiên số một, tránh tình trạng khan hiếm nguồn xăng dầu như thời gian vừa qua.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến giá các mặt hàng xăng dầu, giá sách giáo khoa, giá viện phí. Đại biểu lấy dẫn chứng trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, nhiều mặt hàng, trang thiết bị, vật tư tiêu hao y tế tăng rất nhanh, thậm chí tăng 5-7 lần do nguồn cung bị đứt gãy. Sau đó nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi giá hàng hóa nhập khẩu cao gấp vài chục phần trăm, tạo ra sự lo lắng rất lớn đối với các cơ sở nhà nước phải mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch.
“Chúng ta cần có quy định trong Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt là cách hiểu khác nhau khi giá cả thị trường tăng mạnh vào thời điểm chống dịch. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc giá thành toàn bộ đối với một số mặt hàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh…
Đồng thời, Chính phủ cần cân nhắc các hoạt động mua sắm, các hoạt động xác định giá mua sắm các loại mặt hàng, trang thiết bị y tế, thuốc cần đưa lên một sàn giao dịch điện tử để mua bán, cập nhật theo thời gian thực, giao dịch công khai, minh bạch; lựa chọn được hàng hóa theo tiêu chuẩn quy định với giá cả hợp lý nhất, không phải đấu thầu theo tiêu chí hàng hóa rẻ nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị mua sắm, tránh những sai phạm có thể xảy ra”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị.
Tăng cường đấu thầu qua mạng để công khai, minh bạch
Cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều ý kiến thống nhất với sự cần thiết sửa đổi như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu.
Việc sửa đổi nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu….
Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, thực tế thời gian qua, mức giá đưa ra đấu thầu và giá trúng thầu còn chênh lệch rất lớn. Thậm chí nhiều dự án chỉ định thầu lại tiết kiệm hơn so với những dự án đưa ra đấu thầu; rồi tình trạng xây dựng giá đấu thầu không sát với thực tế giá cả thị trường dẫn đến nhiều bất cập khi triển khai thực hiện.
Đại biểu cũng nêu thực trạng hiện nay các địa phương cùng xây dựng quy trình từ hồ sơ mời thầu đến thẩm định thầu một loại hàng hóa giống nhau.
“Vậy tại sao chúng ta không xây dựng hồ sơ mang tính tham chiếu để các địa phương tham khảo, không mất công xây dựng lại từ đầu. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho các địa phương dùng chung, làm giá cơ sở đấu thầu để tiết kiệm là vấn đề mà Ban soạn thảo cần nghiên cứu”, đại biểu Phạm Đức Ấn kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phân tích 5 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, vướng mắc trong Luật Đấu thầu hiện hành, đặc biệt là các hồ sơ đấu thầu chưa chặt chẽ dẫn đến sự tùy tiện trong hồ sơ mời thầu; việc thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng còn mang tính hình thức nên có tình trạng “quân xanh”; rồi xảy ra tình trạng “thông thầu”.
Đồng thời, chưa đặt ra tiêu chí cụ thể, rõ ràng trong việc mời thầu nên vẫn xảy ra tình trạng một số nhà thầu không đủ tiêu chí, không đủ năng lực cũng tham gia thầu, gây ra tình trạng tiêu cực trong đấu thầu thời gian qua.
Dẫn ví dụ một số vụ việc xảy ra tại các bệnh viện gần đây khi nhiều người đứng đầu vướng vòng lao lý, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhiều chủ đầu tư chưa hiểu rõ các quy định liên quan đến thủ tục đấu thầu.
Vì thế, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại những bất cập dẫn đến tiêu cực phát sinh trong thực tế, đặc biệt là trong mua sắm tài sản công tại các cơ quan nhà nước, giúp các cơ quan thực hiện đấu thầu hiệu quả, khách quan.
Đại biểu Khuất Việt Dũng nêu thực tế thời gian qua có có nhiều vụ việc liên quan đến đấu thầu gây thất thoát lớn nhưng trong đó có nhiều vụ việc thực hiện đúng quy trình của luật; bên cạnh đó, nhiều quy định gây khó khăn, chán nản cho nhà đầu tư, vì vậy việc sửa đổi 75 điều, bổ sung 21 điều mới là cần thiết.
Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự án luật, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, đấu thầu nhất là đấu thầu trong lĩnh vực đất đai không đặt mục tiêu cao nhất là thu được nhiều tiền mà cần có mức giá hợp lý nhất. Bởi kiềm chế giá đất ở mức phù hợp để người dân có nhà và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ trình 10 trường hợp chỉ định thầu, mở rộng hơn so với luật hiện hành là chưa phù hợp, đại biểu đồng tình với 4 trường hợp được chỉ định thầu như nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Để hiệu quả đấu thầu thực chất, tránh lãng phí, hình thức, có ý kiến đề nghị cần có cơ quan quản lý nhà nước về giá để có sự so sánh, đối chiếu khi tiến hành đấu thầu; đồng thời tăng cường đấu thầu qua mạng để công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc.
Bên cạnh đó, việc xây dựng giá thầu rất quan trọng, đại biểu cho rằng đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến được tiến hành đấu thầu lặp lại ở các cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố đều phải tiến hành đấu thầu theo một quy trình giống nhau, làm mất thời gian và lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị xây dựng giá tham chiếu để giảm thủ tục xây dựng hồ sơ mời thầu, thẩm định giá...
Tại phiên thảo luận, các ý kiến tại Tổ 1 - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tán thành với sự cần thiết bổ sung quy định về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến “nơi sinh” vào trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV