Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chìa khóa nằm ở cân bằng quyền sở hữu?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có một bất cập về quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng và quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế và cá nhân.

KTĐT - Có một bất cập về quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng và quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế và cá nhân.

Ngày 11/2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 18.932 VND/USD lên 20.693 VND/USD, đồng thời thu hẹp biên độ tỷ giá từ 3% xuống 1%.

Với quyết định này các ngân hàng thương mại được phép niêm yết tỷ giá mua, bán với khách hàng không quá 20.900 VND/USD.

Thừa cho vay, thiếu để bán

Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 6/2008 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 6 lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, song mức độ điều chỉnh không lớn như lần này:

-  Ngày 11/6/2008, điều chỉnh lên 16.461 VND/USD (+1,99%).

- Ngày 25/12/2008, điều chỉnh lên 16.989 VND/USD(+ 3%).

- Ngày 26/12/2009, điều chỉnh lên 17.961 VND/USD (+ 5,44%).

- Ngày 11/2/2010, điều chỉnh lên 18.544 VND/USD (+ 3,36%).

- Ngày 18/8/2010, điều chỉnh lên 18.932 VND/USD (+ 2,09%).

- Ngày 11/2/2011, điều chỉnh lên 20.693 VND/USD (+ 9,3%).

Tuy nhiên, quyết định điều chỉnh tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các chuyên gia tiền tệ. Theo đó, việc điều chỉnh tỷ giá có thể đưa tỷ giá chính thức sát với tỷ giá thị trường, tổ chức kinh tế và cá nhân sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng nhiều hơn, giao dịch ngoại tệ sẽ dễ dàng hơn, tính minh bạch của thị trường cao hơn, sẽ không còn cảnh tổ chức kinh tế và ngân hàng mua bán chui ngoại tệ, gây ra nhiều hệ quả xấu cho cả các ngân hàng và khách hàng.

Mặc dù động thái của Ngân hàng Nhà nước được nhiều chuyên gia đánh giá cao, tuy nhiên, việc duy trì và giữ tỷ giá chính thức sát với tỷ giá thị trường là vấn đề rất khó cho cơ quan quản lý, khi mà tỷ giá biến động do nhiều nguyên nhân như lạm phát cao, thâm hụt cán cân thương mại lớn, và đặc biệt là việc các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu cơ găm giữ ngoại tệ, làm cho cân đối cung cầu ngoại tệ bị mất cân đối nghiêm trọng, gây áp lực lớn lên tỷ giá.

Thực tế gần đây cho thấy, nhiều tổ chức kinh tế và người dân có ngoại tệ chỉ muốn nắm giữ hoặc gửi ngân hàng, không bán cho ngân hàng, nên có tình trạng ngân hàng thừa ngoại tệ để cho vay, nhưng lại thiếu ngoại tệ để bán cho đối tượng có nhu cầu.

Vậy nguyên nhân nào làm cho các tổ chức kinh tế và người dân ham muốn găm giữ ngoại tệ? Cơ chế quản lý ngoại hối thông thoáng như hiện nay có tạo điều kiện cho việc găm giữ ngoại tệ? Đây là vấn đề lớn, rất cần được nghiên cứu và phân tích một cách khách quan để tìm ra một giải pháp hợp lý nhằm ổn định tỷ giá.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mức độ tự do hóa các giao dịch ngoại hối của Việt Nam hiện nay đã ngang với các nước có dự trữ ngoại hối lớn, đủ sức can thiệp và đáp ứng cho thị trường. Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam ban hành năm 2005 được đánh giá là có độ mở lớn hơn điều lệ quản lý ngoại hối của Trung Quốc ban hành năm 2008, các quy định về giao dịch vãng lai có độ mở ngang nhau, các giao dịch vốn được thực hiện tự do hơn và rất thông thoáng.

Tuy nhiên, Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững, lạm phát cao, dự trữ ngoại hối của nhà nước còn mỏng, nhập siêu tăng qua các năm, nếu hoạt động ngoại hối được tự do quá, sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, gây sức ép lên tỷ giá và ngăn cản việc tăng dự trữ ngoại hối.

Bất cập về quyền sở hữu

Nghiên cứu các quy định về quản lý ngoại hối cũng cho thấy, có một bất cập về quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng và quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế và cá nhân. Quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng rất hạn chế, trong khi quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế rất lớn, điều này đã tạo nên mất cân đối lớn giữa khả năng mua được ngoại tệ của tổ chức tín dụng và nghĩa vụ bán ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo yêu cầu của tổ chức kinh tế và người dân.

Do đó, cho dù các năm cán cân thanh toán tổng thể có bội thu, nhưng quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng không có thì cũng không cân đối được nguồn ngoại tệ cho nền kinh tế, vẫn gây sức ép lên tỷ giá.

Phân tích bảng cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam cho thấy, những năm gần đây tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế và dân cư luôn ở mức cao. Cụ thể năm 2008, tiền gửi ngoại tệ của tổ chức kinh tế là 10,61 tỷ USD, tiền gửi ngoại tệ của dân cư là 7,70 tỷ USD. Năm 2009 tiền gửi của hai đối tượng trên là 11,7 tỷ USD và 9,26 tỷ USD. Năm 2010 là 10,78 tỷ USD và 10,64 tỷ USD.

Trong điều kiện mất cân đối về cung cầu ngoại tệ gây sức ép lên tỷ giá, nếu các ngân hàng thương mại mua được số ngoại tệ chưa cần dùng đến nói trên, hoặc chỉ cần mua được số ngoại tệ gửi tại ngân hàng của các doanh nghiệp, thì các khó khăn về ngoại tệ có thể sẽ được tháo gỡ.

Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét lại các quy định trong pháp lệnh ngoại hối để xử lý việc mất cân đối trong quyền sở hữu ngoại tệ của các tổ chức tín dụng và quyền sở hữu ngoại tệ của các tổ chức kinh tế, cá nhân. Theo người viết, chỉ khi nào quyền sở hữu ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được đảm bảo, vấn đề mất cân đối về cung cầu ngoại tệ gây sức ép lên tỷ giá mới có thể giải quyết được.

Kinh nghiệm Trung Quốc

Trung Quốc là nước có nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề tỷ giá và vấn đề mất cân đối về ngoại tệ. Nhận thấy việc duy trì tỷ giá đồng Nhân dân tệ theo hướng cố định có tác động xấu đến mục tiêu mở cửa kinh tế đối ngoại và kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu của nền kinh tế và trước thực trạng đồng Nhân dân tệ bị đánh giá cao so với sức mua thực tế, nước này đã quyết định điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái.

Ngày 1/1/1974, Trung Quốc chính thức công bố phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ từ 5,8 Nhân dân tệ/USD xuống 8,7 Nhân dân tệ/USD, tỷ lệ phá giá là 50%. Để phối hợp chính sách điều chỉnh tỷ giá và bảo đảm cân đối cung cầu ngoại tệ, trong các năm từ 1994 đến 1996, nước này thực hiện chính sách kết hối ngoại tệ 100%, nghiêm cấm việc giữ và sử dụng ngoại tệ.

Đến năm 1997, Trung Quốc mới cho phép nới lỏng chính sách kết hối ngoại tệ, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp sản xuất được phép kinh doanh xuất nhập khẩu được tự giữ một phần ngoại tệ trên tài khoản với mức không quá 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm.

Năm 2002, Trung Quốc tiếp tục cho phép các doanh nghiệp trên được tự giữ ngoại tệ trên tài khoản với mức không quá 20% nguồn thu ngoại tệ từ giao dịch vãng lai.

Năm 2007, dự trữ ngoại hối Trung Quốc đạt 1.528,249 tỷ USD, cán cân vãng lai thặng dư 371,832 tỷ USD, cán cân vốn thặng dư 73,454 tỷ USD, khi đó Trung Quốc mới xóa bỏ chính sách kết hối ngoại tệ.

Cần chú ý là Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sớm hơn Việt Nam nhiều. Từ ngày 11/12/2001, Trung Quốc chính thức vào WTO với điều kiện phải cam kết mở cửa lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán. Việc yêu cầu các tổ chức kinh tế bán ngoại tệ cho ngân hàng không cản trở việc gia nhập này.

Trung Quốc còn tăng cường công tác quản lý chính sách cho vay ngoại tệ, cho đến cuối năm 2002 mới ban hành quy chế cho vay ngoại tệ để hướng dẫn các ngân hàng thương mại cho các tổ chức kinh tế trong nước vay ngoại tệ với các điều kiện không dễ dàng.

Giao dịch vốn luôn là lĩnh vực nóng được quản lý chặt chẽ, cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa thực hiện tự do hóa giao dịch vốn. Nhờ thực hiện các chính sách quản lý ngoại hối đồng bộ và linh hoạt, Trung Quốc đã thành công trong việc điều hành tỷ giá, giải quyết được các khó khăn về cung cầu ngoại tệ, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu  ngoại tệ cho nền kinh tế phát triển.

Công cuộc cải tổ và chuyển đổi nền kinh tế của Trung Quốc nhiều năm qua có phần đóng góp quan trọng của việc điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt và chủ động. Những kinh nghiệm thành công cũng như những khó khăn trong điều hành kinh tế của Trung Quốc có thể xem là bài học cho những nước đang chuyển đổi nền kinh tế như Việt Nam nghiên cứu, vận dụng.