Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, địa phương; cùng đại diện lãnh đạo các hiệp hội, cơ quan, tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp (DN)… Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì Diễn đàn.
Xu hướng tất yếu
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, chuyển đổi xanh đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam. Trong đó, hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.
CTX xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua, đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, đến giữa năm 2024, Việt Nam đã có gần 500 CTX ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, cho thấy tiềm năng phát triển CTX ở Việt Nam còn rất lớn... Tuy nhiên, bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và động lực từ những cam kết, hoạt động quốc tế, việc phát triển CTX ở Việt Nam trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như: mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, trình độ kỹ thuật, công nghệ năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh...
“Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy phát triển, quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho CTX, thực tiễn triển khai ở cấp độ địa phương với những bài học kinh nghiệm sinh động của TP Hà Nội. Đây cũng là cơ hội hữu ích để các bên liên quan trao đổi, thảo luận những cơ hội, thách thức, kiến nghị, đề xuất các nội dung, giải pháp để dỡ bỏ những rào cản nhằm thúc đẩy phát triển CTX trong những năm tiếp theo” – Thứ trưởng Phạm Minh Hà nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đây không chỉ là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và DN chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn mà còn là nền tảng để thảo luận, xây dựng những giải pháp, sáng kiến đột phá nhằm đưa ra những chính sách về CTX vào cuộc sống, góp phần cải thiện môi trường và chất lượng đời sống xã hội.
“Đây là dịp để khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Bộ Xây dựng và TP Hà Nội trong việc triển khai các chương trình phát triển xanh, bền vững. Chính sách phát triển CTX là xu hướng tất yếu, cần phát huy trách nhiệm của mỗi cấp quản lý, sự tham gia tích cực của cộng đồng và DN. Qua đây, UBND TP Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan T.Ư, đối tác trong và ngoài nước để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, bền vững” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay.
Cần nhận thức rõ vai trò của công trình xanh
Các ý kiến đều cho rằng, CTX là xu hướng toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Gần đây, chúng ta đã chứng kiến tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tại các tỉnh phía Bắc, điều này càng làm tăng quyết tâm thực hiện CTX... Do đó, để đưa CTX vào thực tiễn, vấn đề truyền thông là ưu tiên hàng đầu; xem xét lại kết quả đạt được từ năm 2002 đến nay và làm rõ lý do tại sao CTX chưa được triển khai rộng rãi...
Theo TS Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VLXD Việt Nam, VLXD rất đa dạng, nhưng không phải tất cả đều phù hợp cho CTX nên cần tìm cách tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng và đảm bảo rằng VLXD không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện VLXD thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và quy trình đánh giá, chứng nhận VLXD cho công trình xanh.
“Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin về VLXD xanh vẫn còn gặp khó khăn về mặt pháp lý. Vì vậy, Viện Kinh tế Xây dựng nên nghiên cứu thêm về hiệu quả đầu tư của các CTX, cụ thể là hiệu quả sử dụng và thời gian thu hồi vốn so với công trình thông thường, để người sử dụng có thể nhận thấy lợi ích rõ ràng hơn” - TS Thái Duy Sâm nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Ngô Thế Vinh - Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay vốn đầu tư công chủ yếu dành cho các công trình an sinh xã hội và hạ tầng kỹ thuật; trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, CTX chủ yếu được đầu tư vào các văn phòng và nhà ở…
“Tuy nhiên, do đặc thù quản lý, thông tin về lĩnh vực này còn thiếu và dữ liệu vẫn đang được thu thập, nên cần tập trung vào những công trình có tính chất trọng yếu trong đầu tư công. Cùng với đó, Bộ Xây dựng phối hợp với các tổ chức để cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu đầy đủ; nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý dữ liệu và sắp tới có thể xây dựng một khung pháp lý thuận lợi để tạo tiền đề cho phát triển CTX” - TS Ngô Thế Vinh kiến nghị.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh, những năm gần đây ở Việt Nam CTX có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đã được Đảng và Chính phủ quyết tâm thực hiện chiến lược dài hạn. Trong khi đó, khả năng phát triển CTX của Việt Nam rất tiềm năng và đa dạng với nhiều loại hình công trình, từ nhà ở, văn phòng, khách sạn…
“Bộ Xây dựng đã có những Thông tư hướng dẫn các cơ quan chuyên môn để tháo gỡ khó khăn, đã có những quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng; xem xét và ban hành quy chuẩn cơ sở mới giúp các chủ đầu tư nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các dự án, công trình theo tiêu chuẩn công trình hiệu quả năng lượng, CTX, đô thị xanh. Hướng đến mục tiêu tăng chất lượng, tiện nghi sử dụng, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường” – ông Vũ Ngọc Anh cho hay.