Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiếc lông vũ đắt nhất thế giới trị giá hơn 28.000 USD

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một chiếc lông vũ quý hiếm của loài chim huia đã tuyệt chủng ở New Zealand được bán với giá kỷ lục 28.365 USD, trở thành chiếc lông vũ đắt nhất thế giới.

Theo The Guardian, chiếc lông vũ được đưa ra đấu giá hôm đầu tuần này kỳ vọng chỉ thu về trong khoảng từ 2.000-3.000 USD. Tuy nhiên, cuối cùng nó đã được mua với mức giá ấn tượng trên trong phiên của Nhà đấu giá Webb, có trụ sở tại Auckland.

Chiếc lông chim vũ đắt nhất thế giới ở New Zealand. Ảnh: The Guardian  
Chiếc lông chim vũ đắt nhất thế giới ở New Zealand. Ảnh: The Guardian  

Loài chim huia, có nguồn gốc từ Đảo Bắc của New Zealand, đã tuyệt chủng vào đầu những năm 1900. Theo Nhà đấu giá Webb, chiếc lông chim được nhìn thấy lần cuối vào thế kỷ 20, trước đây đã được bán với giá lên tới 5.100 USD.

Bà Leah Morris, lãnh đạo bộ phận nghệ thuật trang trí tại của Nhà đấu giá Webb, cho biết: “Chiếc lông huia quý hiếm này là một ví dụ điển hình về lịch sử tự nhiên của New Zealand và là lời nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của hệ sinh thái.”

Bà Morris nói với The Guardian rằng rằng mức giá cao là do tình trạng đặc biệt của chiếc lông vũ đơn lẻ và các biện pháp được thực hiện để bảo quản nó, bao gồm giấy lưu trữ và kính UV, cũng như câu chuyện đằng sau con chim huia.

Huia từng là loài chim đặc hữu ở New Zealand, thuộc họ Callaeidae, được biết đến với giọng hót du dương, bộ lông bóng loáng chủ yếu màu đen và lông đuôi dài pha chút trắng. “Mẫu vật này là một trong những chiếc lông huia đẹp nhất từng được nhà đấu giá đưa ra thị trường,” bà Morris lý giải thêm.

Cặp tiêu bản nhồi chim huia được bán với giá gần 460.000 USD trong phiên đấu giá ở Anh năm 2023. Ảnh: Nhà đấu giá Webb  
Cặp tiêu bản nhồi chim huia được bán với giá gần 460.000 USD trong phiên đấu giá ở Anh năm 2023. Ảnh: Nhà đấu giá Webb  

Chim huia có ý nghĩa thiêng liêng đối với người bản địa Maori và thường được nhắc đến trong các bài hát và tục ngữ của họ. Theo The Guardian, lông huia được dành riêng cho các tù trưởng và những cá nhân có uy tín.

Vào thời điểm người châu Âu đến New Zealand, loài chim này đã khan hiếm và chính nhu cầu về lông vũ tăng vọt đã dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng, bất chấp những nỗ lực của các nhà khoa học vào đầu những năm 1900 nhằm cứu loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Những người tham gia đấu giá trong phiên đầu tuần vừa rồi phải có giấy phép từ Bộ Văn hóa và Di sản New Zealand. Ngoài ra, chỉ có những nhà sưu tập đã đăng ký mới có thể mua chiếc lông vũ này, đồng thời chủ nhân mới không được phép đưa nó rời khỏi New Zealand nếu không có sự cho phép của cơ quan chức năng.