Tuy nhiên, việc kiềm chế một cái hiện đại, tiên tiến để “khuyến khích” người dân sử dụng những cái đã lạc hậu, như cách mà Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã tuyên bố là điều… hiếm thấy.
Cụ thể, tại cuộc họp Ủy ban ATGT Quốc gia vừa qua, liên quan đến về vấn đề “ùn tắc giao thông” của ngành hàng không, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã không giấu được lo lắng khi tuyên bố: “Chuyện hàng không vét hết khách của đường sắt thì chỉ có ở Việt Nam”. Trước tuyên bố này của ngài tư lệnh ngành GTVT, nhiều đại biểu đã không khỏi ngỡ ngàng bởi sự… bất hợp lý của nó. Không ngỡ ngàng sao được, khi không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới, hàng không luôn là sự lựa chọn số 1 của người dân vì khả năng di chuyển nhanh, tiết kiệm nhiều chi phí. Và phần lớn các nước trên thế giới đều đang tập trung phát triển loại hình vận tải này. Đơn cử như Mỹ, trong thế kỷ XIX, nước này là một “vương quốc” đường sắt, nhưng ngày nay còn mấy ai đi tàu nữa đâu? Dẫu biết, mọi sự so sánh đều khập khiễng, tất cả mọi sự so sánh chỉ mang tính chất tương đối. Tuy nhiên, có lẽ cũng không phải nhìn ra thế giới, chỉ cần nhìn vào thực tế, nhìn vào những gì đã và đang diễn ra ở ngành đường sắt – lĩnh vực mà Bộ trưởng Bộ GTVT lo lắng, người ta cũng có thể nhìn ra những sự bất hợp lý đó. Nói như vậy là bởi, ngành đường sắt Việt Nam đến thời điểm này vẫn tồn tại và hoạt động với cái “xương sống” là tuyến đường sắt cũ do Pháp xây dựng. Và sau hơn một thế kỷ tồn tại, hệ thống vận tải này đã xuống cấp, mất dần đi sức hấp dẫn đối với người dân, đặc biệt là những người có công việc gấp, quãng đường di chuyển dài. Từ thực tế trên có thể thấy, việc người đứng đầu Bộ GTVT cho rằng, việc phát triển hàng không sẽ vét khách của ngành đường sắt là điều bất hợp lý, điều này chẳng khác gì việc, hạn chế máy cày vì lo con trâu thất nghiệp.Do đó, thiết nghĩ, thay vì lo lắng cho con trâu khi đem nó ra so sánh với chiếc máy cày… người đứng đầu ngành GTVT hãy dành thời gian để phát huy những điểm mạnh mà con trâu sở hữu. Mà ưu điểm của con trâu hay ngành đường sắt đó chính là khả năng canh tác, vận chuyển hàng hóa trên những cung đường ngắn, giá thành rẻ, mạng lưới phủ đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Và khi phát huy được hết thế mạnh của nó, ngành đường sắt hay đường bộ, đường thủy… sẽ vẫn có chỗ đứng, vị thế riêng trong mạng lưới vận tải quốc gia.