Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào trong ký ức của con trai Trung tướng Phạm Hồng Sơn] Bài cuối: Thư từ chiến trường và tâm hồn lắng sâu

Phạm Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi viết những dòng này trước hết là để cho chính mình, để có thể lại cảm thấy được những cảm xúc yêu thương, tự hào khi nhớ về bố mình, để có thể cảm thấy thêm sức mạnh để có thể bước tiếp trên đường đời với cái đích là những kỳ vọng của thế hệ vĩ đại của ông: Làm cho đất nước Việt Nam thân yêu “có thể sánh vai với các cường quốc 5 châu”.

Bắt đầu từ giữa tháng 1/1971 cho tới cuối tháng 3/1971 do bận chỉ huy bộ đội chiến đấu trên Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, có lần bị thương do hầm chỉ huy bị bom Mỹ đánh sập, vùi lấp nên bố tôi đã ngất đi, may nhờ các chú bảo vệ các hầm bên kịp thời đào lên cứu sống nên bố tôi không viết được thư về cho gia đình. Từ cuối tháng 3 cho tới cuối tháng 5-1971, sau khi đánh bại Chiến dịch Lam sơn 719 của địch, bố tôi mới lại có thời gian viết cho gia đình một vài lá thư, tuy ngắn nhưng luôn thấm đẫm tình yêu thương không chỉ dành riêng với những người thân!

“Ngày 28/3/71.

“Anh đã nhận được 2 thơ của em và Quang. Anh về họp gặp anh Văn phấn khởi quá được tin em, các con và cả gia đình mạnh.

“Anh trên một tháng nay phải thức suốt, trời lại rét, suy nghĩ nhiều nên có một thời gian đau bụng nhưng đã khỏi rồi. Bội đội chiến đấu rất giỏi, dũng cảm và mưu trí vô cùng, hôm nào về anh sẽ kể cho Đào một số chuyện hay của cán bộ chiến sĩ ta (…).
Trung tướng Phạm Hồng Sơn và phu nhân PGS.TS Đặng Anh Đào.
“Đào và các con thỉnh thoảng viết thư cho anh - Một vài dòng cũng thích, chỉ nét chữ của người thương cũng đủ làm ấm lòng rồi”.

Bản thân tôi, khi đó đã 16 tuổi nên cũng quan tâm hơn tới chiến sự trên mặt trận và cảm thấy rất vui khi nghe tin thắng trận, nhất là biết bố mình vẫn khỏe: “Bố, ngày mai chú Dần đi nên con viết thư gửi cho bố”… là đi mấy toa tàu cơ, đông lắm, còn bọn Thọ thì đi xe gíp”.

“Ngày 10/5/71.

“Hôm qua anh Văn đến chỗ anh, nói viết thư cho Đào, bận quá anh chưa gửi kịp (…) Anh muốn sống bên em, gần các con nhỏ. Nhưng mỗi lần thấy các chị vợ các đồng chí cán bộ đang chiến đấu ở xa đến chơi với đôi mắt đỏ hoe sao anh thấy trong lòng như thiếu một cái gì, như mình đang bỏ các đồng chí của mình ở phương xa...
Anh nhiều đêm thao thức với ý nghĩ làm sao cho dân ta đỡ khổ, bao gia đình được sống yên vui. Chiến đấu đâu có phải vì chiến thắng, vì chiến công. Anh muốn chiến đấu để đem lại hạnh phúc cho bao nhiêu người.

“Nghe chuyện lính địch chết gục hàng nghìn ngoài chiến trường cũng đều là người Việt Nam cả, có những tiếng kêu cứu “các chú ơi, cứu cháu với, ba cháu cũng tập kết ở Bắc” sao anh buồn thế ..., sao lính ngụy chết mà anh vẫn thấy buồn buồn.

“Nghĩ đến bao thanh niên ưu tú của ta ngã gục trên chiến trường, lại càng căm Mỹ đem chết chóc đến dân mình. Em ạ, càng có tuổi lắm lúc càng thấy tâm hồn mình lắng sâu hơn vào tình yêu thương rộng rãi hơn. Nghĩ đến Đào, càng thương càng nhớ hơn biết bao, nhiều hơn cả những lúc tình yêu mới nẩy nở và sôi nổi nhất...”.

Khi đang viết bài này tôi có chat với một người bạn thân Thụy Điển của tôi và anh ấy có hỏi: “Can you feel sorry for all the young men who fought for the SGN regime and made sacrifices? They were also Vietnamese... (Mày có cảm thấy thương xót cho tất cả tất cả những người trẻ tuổi đã chiến đấu cho chính quyền Sài gòn và bị hy sinh không? Họ cũng là người Việt Nam mà...).
Tôi đã gửi cho anh ấy đoạn thư trên của bố tôi viết khi vừa cùng đồng đội giành chiến thắng trên Mặt trận Đường 9 - Nam Lào và bạn tôi nhắn lại: “Great man. It’s hard to show compassion when you fight a war for life and death, but that’s what makes us human (Một con người tuyệt vời. Rất khó để thể hiện sự đồng cảm thương xót khi anh đang chiến đấu trong một cuộc chiến vì sự sống và cái chết, nhưng điều đó làm cho chúng ta trở thành con người).

Nghĩ đến bao thanh niên ưu tú của ta ngã gục trên chiến trường, lại càng căm Mỹ đem chết chóc đến dân mình, nhưng cuối cùng bố tôi và các đồng đội của mình cũng đã gặp và kết bạn với một số người Mỹ, các thành viên của Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình khi họ quay trở lại Việt Nam để tham gia vào các nỗ lực hòa giải quan hệ giữa hai nước, góp phần khắc phục các hậu quả của chiến tranh do Mỹ gây ra cho Việt Nam.
Khoảng cuối những năm 90, bố tôi đã dẫn những kẻ thù cũ - những người bạn mới về thăm Bắc Giang, nơi bố tôi đã từng chỉ huy Trung đoàn Bắc Bắc 36 thuộc Đại đoàn Quân Tiên Phong chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp và họ đã cùng nhau động thổ xây dựng nên Công viên Hòa Bình tại xã Song Mai, thị xã Bắc Giang, tại một ngọn đồi nơi có những ngôi mộ của các cựu chiến binh và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ của Việt Nam.
Đến nay mỗi lần về thăm mọ ông nội tôi tại cánh đồng xóm Giỏ, xã Song Mai, Bắc Giang tôi lại nhớ những ngày bố tôi còn khỏe, lần nào ông cũng dẫn con trai đầu của tôi, khi đó mới chừng 7 - 8 tuổi leo lên đỉnh đồi, nơi có một cái nhà hóng gió nhỏ do bố tôi cùng các đồng đội và các cựu chiến binh Mỹ đã xây nên và hiện những người dân địa phương vẫn thường ngồi nghỉ sau những giờ làm đồng nhọc nhằn. Chỉ cần nói là con trai ông Hồng Sơn là tất cả những người dân chúng tôi gặp ở đó đều nở nụ cười thân thiện và tỏ thái độ thân thiết như người nhà!

Chiến tranh đã lùi xa hơn 50 năm rồi, tuy nhiên âm hưởng của nó vẫn vang vọng mãi tới hôm nay! Khi viết bài này tôi cố đặt mình vào vị trí bố tôi và các tướng lĩnh sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân Dân Việt Nam hồi đó, nhìn vào các tấm bản đồ và tự hỏi, không biết các tướng lĩnh sĩ quan chỉ huy Việt nam bây giờ, và cả các tướng lĩnh các quân đội của các cường quốc khác trên thế giới sẽ nghĩ gì nếu đứng trước tấm Bản đồ tác chiến của một khu vực có độ dài chưa tới 20km như đoạn Đường 9 giữa Lao Bảo và Bản Đông mà Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân Dân Việt Nam đã chọn năm 1970 làm Quyết chiến điểm với 55.000 quân Mỹ-ngụy có hơn gần 1.000 xe tăng, xe bọc thép và xe cơ giới các loại với 1.000 trực thăng và 300 máy bay chiến đấu chiến thuật, 50 pháo đài bay B52 và mấy trăm khẩu pháo lớn nhỏ các loại yểm trợ trong khi trong tay chỉ có vẻn vẹn 36.000 quân chiến đấu, 88 xe tăng và khoảng 100 khẩu pháo các loại?
Trước một đối phương có sức mạnh áp đảo như vậy, chỉ những vị tướng có tài thao lược chỉ huy vượt hẳn đối phương cả cái đầu mới có thể nghĩ ra được những kế hoạch tác chiến, những mưu kế để tạo nên thế trận đúng như chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh: “Phải điều địch được theo ý muốn của ta, đến chỗ ta định tiêu diệt mà không bị địch điều, làm ta bị động, không cho địch tăng viện hoặc bỏ chạy!” và hơn thế nữa, không những dám đánh mà còn chắc thắng, như Bác Giáp nói với Bác Đồng Sĩ Nguyên: “Cho chúng một trận khiếp vía” ngay từ cuối năm 1970, trước khi quân đội Mỹ và VNCH bắt đầu chiến dịch cả tới 3 tháng! Chỉ riêng điều đó đã cho thấy không chỉ lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm không sợ hy sinh của những người lính mà trước hết, chính sự vượt trội trong khả năng tư duy, hoạch định kế hoạch chiến địch mới là nhân tố quyết định chiến thắng trong một cuộc chiến bất tương xứng đến vậy!

Cuối tuần này khi lên thăm mộ bố nhân dịp Thanh minh, tôi sẽ in bài này ra và “hóa vàng” nó với mong ước ở nơi cao xanh ấy bố tôi sẽ liếc qua nó một chút và trong đám khói mờ ảo tôi lại có thể nhìn thấy khuôn mặt thân yêu của bố mình, với một cái bĩu môi và nụ cười châm biếm: “Quân thì biết cái cóc khô gì mà tổng với chả kết!”.