Chiến dịch "sạch đĩa" tại Trung Quốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về chống lãng phí thực phẩm, nhiều quy định, sáng kiến và xu hướng mới đang xuất hiện tại Trung Quốc để hạn chế vấn đề thất thoát lương thực.

Biển khuyến khích thực khách tiết kiệm bày trên bàn một nhà hàng tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa ngành chăn nuôi và gián đoạn nhập khẩu do đại dịch Covid-19, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng này kêu gọi người dân cả nước cảnh giác về khủng hoảng an ninh lương thực - được dự báo có thể khiến Trung Quốc thiếu 130 triệu tấn lương thực vào cuối giai đoạn 2021 - 2025.
Ông đặc biệt nhấn mạnh mức độ lãng phí thực phẩm ở Trung Quốc là “gây sốc và đáng buồn”, khi một nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc vào năm 2015 cho thấy, các TP ở nước này đang lãng phí từ 17 - 18 tỷ kg thực phẩm mỗi năm, tương ứng với mức tiêu thụ thực phẩm hàng năm của 30 - 50 triệu người.
Thực tế, đây là lần thứ 2 trong một thập kỷ Trung Quốc phát động chiến dịch “sạch đĩa”. Một chiến dịch trước đó vào năm 2013 cũng đã sử dụng khẩu hiệu “Tôi tự hào về chiếc đĩa ăn sạch sẽ của mình”, sau khi ước tính lãng phí thực phẩm hàng năm ở Trung Quốc vào thời điểm đó ở mức 50 triệu tấn. Với sự tiếp sức của mạng xã hội, chiến dịch “sạch đĩa” năm 2020 hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, mà ở mỗi cấp độ lại có những hình thức hưởng ứng khác nhau.
Chẳng hạn, một cách mà các nhà hàng của Trung Quốc hiện đang giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm là thực hiện “chế độ đặt hàng N-1”. Về cơ bản có nghĩa là thay vì một nhóm 10 người gọi 11 món ăn (N+1), họ được khuyên chỉ nên đặt 9 món (N-1).
Hồi đầu tháng này, Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Ăn uống Vũ Hán được thông báo đang thực hiện các biện pháp để hạn chế số lượng suất ăn mà khách hàng của nhà hàng có thể đặt. Giờ đây, các biện pháp tương tự cũng đang được thực hiện ở các TP lớn khác.
Chuỗi nhà hàng vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng Quanjude hiện không chỉ khuyến khích giới hạn đặt với các nhóm thực khách trong thực đơn, mà còn bổ nhiệm một “Giám sát viên ngăn ngừa chất thải” tại nhà hàng của mình để giám sát đơn đặt hàng.
Khách hàng phải cân trước khi gọi món ở Trung Quốc. 
Một nhà hàng ở Trường Sa (Trung Quốc) gần đây thậm chí đã hưởng ứng hơi quá đà, khi khuyến khích khách hàng tự cân và gọi đồ ăn cho phù hợp, gây ra một số tranh cãi trên mạng xã hội về phân biệt đối xử.
Cùng với chiến dịch chống lãng phí thực phẩm của đất nước, một số đoàn tàu hỏa tốc độ cao của Trung Quốc cũng đã bắt đầu giới thiệu các suất ăn nhỏ hơn, trong khi các trường học trên cả nước cũng đẩy mạnh việc giáo dục học sinh. Chẳng hạn, hàng trăm trường tiểu học ở Tế Nam đồng loạt treo khẩu hiệu nhắc nhở học sinh “Đừng bỏ lại thức ăn, hãy trở thành một dũng sĩ “sạch đĩa””.
Nhật báo People's Daily còn khởi xướng trào lưu đăng ảnh đĩa ăn sạch của mỗi người với hashtag #BigCleanPlateChallenge, thu hút hơn 290 triệu lượt xem hôm 21/8, với hàng trăm cư dân mạng đăng ảnh về đĩa của họ trước và sau khi ăn.
Giữa một không khí sục sôi như vậy, các “ngôi sao bụng bự” - những người sáng tạo video ăn uống nổi tiếng của Trung Quốc hiện đang đối mặt với nhiều chỉ trích, khi họ có xu hướng tiêu thụ lượng thức ăn càng nhiều càng tốt trong mỗi lần xuất hiện để kích thích người xem.
Do đó, các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc đã có động thái để buộc những người có ảnh hưởng đến việc ăn uống của người Trung Quốc phải điều chỉnh nội dung video của họ. Chẳng hạn hôm 12/8, Trung tâm An toàn của TikTok xuất bản một video cho biết ứng dụng sẽ không cho phép bất kỳ hành vi nào trên nền tảng của nó cho thấy lãng phí thực phẩm hoặc quảng bá các hoạt động dẫn đến thất thoát thực phẩm.
Hình ảnh quen thuộc của các 'ngôi sao bụng bự'. 
Trong bối cảnh dịch bệnh và suy thoái kinh tế, lãng phí thực phẩm thực sự ngày càng trở thành một vấn đề toàn cầu. Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp quốc, thế giới đang đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong 50 năm, với gần 690 triệu người trên thế giới thiếu dinh dưỡng vào năm 2019.