Theo BBC, thay vì tận dụng các kênh truyền thông chính thống, ông Trump đã chọn cách xuất hiện trên một loạt podcast và phương tiện truyền thông thay thế có lượng khán giả chủ yếu là đàn ông ở độ tuổi thanh niên.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump từng xác định một nhóm cử tri chủ chốt chiếm hơn 10% tổng số cử tri ở các tiểu bang dao động. Nhóm này chủ yếu gồm nam giới trẻ tuổi da trắng, nhưng cũng có một tỷ lệ đáng kể người Mỹ gốc Latin và gốc Á. Chiến lược tiếp cận qua những podcast và phương tiện truyền thông “phi chính thống” được lập ra để thu hút chính xác nhóm cử tri trên.
Tiếp cận theo lối "cửa phụ"
Cụ thể, ông Trump tham gia các cuộc phỏng vấn với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, diễn viên hài và những người dẫn chương trình phát thanh. Một số cái tên nổi bật trong danh sách này gồm diễn viên hài Theo Von, nhóm Nelk Boys, Youtuber Logan Paul và streamer Adin Ross.
Dù những cái tên kể trên có thể xa lạ với giới truyền thông dòng chính, nhưng họ có lượng người theo dõi lên đến hàng triệu trên các nền tảng trực tuyến. Chẳng hạn, tính riêng trên Youtube, video cuộc phỏng vấn cựu Tổng thống Trump đến nay đã thu hút gần 14 triệu lượt xem.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy có sự chênh lệch đáng kể về giới tính giữa các cử tri trẻ về quan điểm chính trị. Theo Cơ quan thăm dò giới trẻ của Đại học Harvard (Mỹ), trong khi 70% phụ nữ dưới 30 tuổi ủng hộ đối thủ của ông Trump là Phó tổng thống Kamala Harris, chỉ có 53% nam giới trong cùng nhóm tuổi ủng hộ bà. Ngược lại, có 36% nam giới trẻ ủng hộ ông Trump, so với chỉ 23% ở nữ giới trẻ.
Daniel Cox, giám đốc Trung tâm Khảo sát về Đời sống Mỹ, cho rằng khoảng cách giới tính phản ánh một sự chia rẽ lớn hơn trong xã hội nước này, khi nhiều thanh niên cảm thấy bị các chính trị gia “bỏ rơi”.
“Ngày càng nhiều đàn ông trẻ cố gắng hiểu được vai trò của họ trong xã hội. Họ phải phấn đấu nhiều hơn về bằng cấp, gặp nhiều trở ngại hơn về sức khỏe tâm thần và thậm chí có sự gia tăng tỷ lệ tự tử", ông Cox cho hay. “Đây là những mối lo rất thực tế, song có cảm giác rằng chưa một chính trị gia nào quan tâm đến chúng”.
Chính vì vậy, chiến lược mới của ông Trump hướng tới mục đích tạo ra một hình ảnh chính trị gia thân thiện và gần gũi hơn đối với tầng lớp cử tri này. Các cuộc phỏng vấn và podcast chính là dịp cựu tổng thống 78 tuổi thể hiện tầm hiểu biết về những vấn đề phổ biến trong giới trẻ như thể thao và giải trí, thay vì bộc lộ những quan điểm chính trị gây tranh cãi.
"Nhiều người trẻ không muốn tìm hiểu những tin tức khô khan", ông Cox lưu ý thêm. "Mối quan tâm hàng đầu của họ chỉ có thể là tiền điện tử hoặc trò chơi điện tử. Chính trị là thứ được quan tâm sau cùng, và chúng chỉ được tiếp nhận qua “cửa phụ” (tức các phương tiện truyền thông phi chính thống), thay vì “cửa chính” (các phương tiện thông tin dòng chính)".
Biến sức hút thành phiếu bầu
Chiến lược mới của cựu Tổng thống Trump có vẻ hiệu quả trong việc thu hút sự chú ý của cử tri trẻ là nam giới, nhất là so với cách tiếp cận tương tự từ Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris - đối thủ chính của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Bà Harris và phó tướng Tim Walz thời gian qua cũng có nhiều nỗ lực trong việc thu hút sự ủng hộ từ cử tri nam, từ việc lồng ghép một số vấn đề gây hứng thú cho "phái mạnh" như súng đạn, thể thao, trò chơi điện tử ... đến trực tiếp tham dự các trận đấu bóng bầu dục hoặc một số buổi đi săn ngoài trời.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của nam giới dành cho bà Harris vẫn dưới ông Trump một khoảng cách khá xa. Theo thăm dò mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Pew, phó tổng thống của đảng Dân chủ chỉ nhận được khoảng 43% tỷ lệ ủng hộ của cử tri nam so với 51% dành cho cựu tổng thống của đảng Cộng hòa.
Dù vậy, cách tiếp cận mới mẻ của ông Trump không phải không có thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để chuyển sự quan tâm này thành phiếu bầu thực sự.
Một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu ông Trump có thể mở rộng số người bỏ phiếu cho mình trong các thành phần cử tri nam giới – từ lâu được xem là lực lượng ủng hộ nòng cốt của cựu tổng thống Mỹ, hay không.
Theo giáo sư truyền thông Jack Bratich từ Đại học Rutgers (Mỹ), lực lượng nam giới trẻ hoạt động tích cực trên không gian mạng từng đóng góp rất nhiệt thành cho chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Đó là thời điểm bùng nổ trào lưu chế hình (meme) về chính trị cùng các diễn đàn thảo luận chính trị - xã hội.
Nhưng tình hình đã rất khác sau 8 năm, khi hiện tại chưa có có phong trào chính trị trực tuyến nào của các “nam thanh niên cánh hữu” đủ lớn để tác động mạnh mẽ đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Tuy nhiên, giáo sư Bratich cho rằng chiến lược của Trump thành công hay thất bại phụ thuộc vào sự xuất hiện của lượng đàn ông trẻ ít quan tâm đến chính trị tại các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Và giống như nhiều hoạt động khác trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, kịch bản đến từ các cử tri trẻ tuổi này bao giờ cũng chứa đựng những yếu tố bất ngờ.