Nhà nước tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và các nội dung của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
100% người nghèo đủ điều kiện đều được tiếp cận dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội
Mục tiêu cụ thể là thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Trong đó: (i) tăng trưởng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bình quân hằng năm khoảng 10%; (ii) cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững, hằng năm tăng dần tỷ trọng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh.
Thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do các địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.
Phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội: hằng năm ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15% - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Xây dựng nền tảng ngân hàng số
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có đạo đức nghề nghiệp, có đầy đủ kỹ năng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu lực hệ thống kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật. Xây dựng nền tảng ngân hàng số, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp, hiện đại hóa công tác quản trị điều hành của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm phục vụ tốt hơn các đối tượng chính sách góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và Chiến lược Công nghệ thông tin ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến 2030.
Nâng cao năng lực tài chính đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững
Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội; tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được giao; duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, giám sát; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ với các tính năng hiện đại, chi phí hợp lý, phù hợp với đối tượng khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đồng thời, nâng cao năng lực tài chính đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của Ngân hàng Chính sách xã hội; chú trọng phát triển nguồn nhân lực theo hướng chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao năng lực quản lý và xử lý nợ rủi ro; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế và công tác truyền thông của Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục giải quyết công việc.